Quan điểm, mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới
Nghị
quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Quan điểm kiên định, vận dụng và phát
triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và bảo đảm sự
lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng. Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa
Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ; giữa nhà nước, thị trường
và xã hội; giữa thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế, bảo
đảm kỷ cương xã hội. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh
đạo của Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; luôn phải
đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự
vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động
quyết liệt, kiên trì, hiệu quả; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả
quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống
nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các
cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp
dưới sự giám sát của Nhân dân.
Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp
luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Hiến
pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, đồng thời coi
trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ
và tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng; lấy con người là
trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn
trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Bám sát thực tiễn đất nước và xu thế
phát triển của thời đại, kế thừa những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn
lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích
quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông
giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; kết hợp hài hòa
giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; tiến hành khẩn trương, nghiêm
minh, nhất quán, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi vững chắc.
Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ,
được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực
hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu,
tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép;
những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh,
sửa đổi kịp thời.
Mục tiêu tổng quát
Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm
minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ
hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất,
được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành
chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn,
trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia
hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở
thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm
2045.
Mục tiêu cụ thể đến
năm 2030
Hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm
quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể
trong xã hội.
Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng,
nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch,
ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ
chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán.
Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp,
kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
hành pháp, tư pháp, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, được kiểm soát
hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao
chất lượng hoạt động của Quốc hội; bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu
cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nâng cao hiệu quả
thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp.
Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền
hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện
đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; bảo đảm Chính phủ là cơ quan
hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của
Quốc hội; phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương; cơ bản hoàn
thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư
pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ
quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân,
bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích
hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Tổ chức bộ máy nhà nước cơ bản tinh
gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ
phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, liêm chính, chí công, vô tư.
Trọng tâm hoàn thiện hệ thống
pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm
thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp
luật.Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp,
phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân
trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức
bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.Ðẩy mạnh cải cách tư
pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội
thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.