Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị
Trung ương 8 Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp
ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã xác định nhiệm vụ đối với
giáo dục đại học là tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao và bồi dưỡng nhân
tài. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh
phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược
trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ đã quan tâm đầu tư và có nhiều chỉ đạo về việc nâng cao chất
lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đào tạo trình độ thạc
sĩ, tiến sĩ (sau đây gọi chung là đào tạo sau đại học). Triển khai chỉ đạo của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu ban
hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế chính sách, giải pháp để nâng
cao chất lượng đào tạo sau đại học. Năm 2021, một số cơ sở giáo dục đại học của
Việt Nam nằm trong nhóm các trường đại học tốt trên thế giới theo các bảng xếp
hạng quốc tế có uy tín. Đến nay, nhân lực một số ngành của Việt Nam như y tế,
cơ khí, công nghệ, xây dựng đã đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong
đó có đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo sau đại
học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ tại một số cơ sở vẫn để xảy ra sai phạm
nhưng chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; chất lượng của không ít luận
án chưa đáp ứng yêu cầu về khoa học và thực tiễn.
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học nhất
là đào tạo trình độ tiến sĩ, Thủ tướng Chính phủ ban
hành Chỉ
thị số
03/CT-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2022 về
việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, trong đó:
Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp
nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tiệm cận với chuẩn mực đào tạo quốc tế,
đặc biệt ở các ngành có nhu cầu đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt lưu
ý: Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt
Nam về số lượng và chất lượng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ của khu vực và
thế giới; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu để
nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong đào tạo sau đại học; Tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đào
tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo
quy định;
Chỉ đạo các cơ sở đào tạo
sau đại học: Xây dựng và ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn trong công tác
đào tạo sau đại học theo thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện chuẩn chương trình
đào tạo; quy chế tuyển sinh và đào tạo sau đại học hiện hành; Kiện toàn hệ
thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; thực hiện nghiêm quy định về
kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sau đại học, khuyến khích kiểm định
theo các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế có uy tín;
Thực hiện nghiêm công khai, minh bạch các bước từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo
và cấp bằng, bảo đảm việc phản biện đồng đẳng, sự giám sát của xã hội và các
bên liên quan; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học
trong quy trình đào tạo; Đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học;
thực hiện liên kết đào tạo sau đại học với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy
tín để nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuẩn mực của khu vực và quốc tế.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nội bộ: quy trình lựa chọn đề tài và
hướng nghiên cứu; tiêu chuẩn và điều kiện của người hướng dẫn, phản biện độc
lập, các thành viên hội đồng đánh giá luận văn, luận án; trách nhiệm của các
nhà khoa học có liên quan đối với chất lượng của luận văn, luận án; việc công
bố các kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn, luận án trên các tạp
chí khoa học ở trong nước và quốc tế.
Các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương - cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở đào tạo sau đại học: Chú trọng công
tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh
vực, địa phương; ưu tiên đầu tư tạo điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại
học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc; Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp
hành các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh và đào tạo sau đại
học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc; chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các
sai phạm theo quy định.
Các bộ, cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương chỉ đạo các đơn vị có cán bộ được cử tham gia đào tạo sau đại học tạo điều
kiện thuận lợi trong quá trình đào tạo, sử dụng sau đào tạo, đồng thời bảo đảm
thực hiện nghiêm túc các quy định.