Ngày 13/02/2023, Uỷ ban nhân dân
tỉnh Lào Cai đã ký ban hành Chương trình hành động số 04/CTr-UBND thực hiện
Nghị quyết số 33/NQ-TU ngày 11/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển
doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt
là Chương trình).
Theo đó, Chương trình đã đặt ra
mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030, cụ thể: Tỉnh Lào Cai phấn đấu đạt chỉ
tiêu mỗi năm thành lập mới khoảng 800 doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 toàn
tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp và năm 2030 có trên 16.000 doanh nghiệp, trong
đó: Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả đạt trên 60% vào năm 2025 và 70%
vào năm 2030; hằng năm, giải quyết việc làm mới trên 8.000 lao động, hỗ trợ đào
tạo khoảng 400 đội ngũ kinh doanh về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh
nghiệp. Đến năm 2050 khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 55% GDP của tỉnh;
đóng góp 65% tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư từ
khu vực doanh nghiệp chiếm từ 50% -60% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến
năm 2030 khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% GDP của tỉnh; đóng góp 70%
tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh; tổng vốn đầu tư từ khu vực doanh
nghiệp chiếm từ 60%-70% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2025 trên 70%
doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong
điều hành, quản lý, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đến năm
2030 con số này đạt trên 80%.
Phấn đấu năm 2025 có trên 50%
doanh nghiệp có tổ chức Đoàn thể, 60% doanh nghiệp là hội viên chính thức của
các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, 10% doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng.
Đến năm 2030 có 70% doanh nghiệp có tổ chức Đoàn thể, 80% doanh nghiệp là hội
viên có tổ chức cơ sở Đảng theo quy định của điều lệ Đảng, luật công đoàn, điều
lệ của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp.
Phấn đấu hàng năm chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) ; chỉ
số cải cách hành chính (PARINDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối
với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) thuộc nhóm 10 tỉnh đứng
đầu cả nước.
Định hướng đến 2050 tiếp tục phát
triển doanh nghiệp tăng cả về số lượng và chất lượng bình quân 15%/năm; khuyến
khích thu hút, hình thành và phát triển ít nhất 10 tập đoàn kinh tế tư nhân
lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; đảm bảo trên địa
bàn tỉnh có trên 20 doanh nghiệp lớn về chuỗi dịch vụ logistics và du lịch,
nông, lâm, thủy sản và công nghiệp hỗ trợ. Duy trì doanh nghiệp tham gia và
từng bước làm chủ chuỗi liên kết trong nước và quốc tế, đóng vai trò quan trọng
trong liên kết xuất khẩu đường biên và công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu. Cơ cấu
doanh nghiệp phù hợp với cơ cấu kinh tế tỉnh, mỗi thế mạnh của từng vùng trong
tỉnh đều có doanh nghiệp mạnh. Đồng thời, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh
vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học
và công nghệ; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ
cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả
vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thực hiện được các mục tiêu trên,
Chương trình đã đề 06 nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết số
33-NQ/TU, cụ thể: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của các cấp, các ngành; đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự
lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội trong phát triển doanh nghiệp. (2) Tiếp tục cải thiện môi
trường đầu tư, kinh odanh, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, chú trọng thu
hút doanh nghiệp lớn, chuỗi cung ứng đầu tư và hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào
Cai. (3) Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp kinh
doanh có hiệu quả có trách nhiệm xã hội. (4) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước. (5) Phát triển đội ngũ doanh nhân, người lao động, đáp ứng yêu cầu
của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. (6) Nâng cao hiệu quả hoạt
động của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp; phát huy vai trò, tính
chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân.
Bên cạnh đó Chương trình cũng
đã đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nhiệm vụ được
giao xây dựng Chương trình hành động/Kế hoạch để tổ chức thực hiện có hiệu quả
Nghị quyết và Chương trình này./.
Tải về