Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia giải quyết vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ
Lượt xem: 611
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2018 - 2021” (Đề án 938) trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai đã có nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên.

Đổi mới công tác tuyên truyền

Theo chị Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội LHPN (Liên hiệp phụ nữ ) tỉnh Lào Cai, với vai trò là Trưởng Ban điều hành Đề án 938 cấp tỉnh, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, giải quyết tốt những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Các cấp Hội đã chủ động, phối hợp triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua, các cuộc vận động gắn với nội dung và chủ đề của Đề án 938 qua các năm, nổi bật là nội dung phụ nữ rèn luyện phẩm chất "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, vai trò của phụ nữ trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; hệ lụy của phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên; phòng, chống bạo lực gia đình; an toàn thực phẩm; cách cha mẹ chăm sóc, nuôi dạy con; phụ nữ với pháp luật, trợ giúp pháp lý.

Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền đã được Hội phụ nữ các cấp chú trọng đổi mới thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở. Chỉ riêng giai đoạn 2018-2021, toàn tỉnh tổ chức trên 300 hội thi, diễn đàn, liên hoan, hội thảo, tọa đàm, giao lưu...gắn với kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện như Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11.. . đã thu hút được 28.000 hội viên phụ nữ tham gia. Đồng thời, các cấp hội đã tổ chức gần 200 buổi và thu hút trên 12.500 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia về các kiến thức về Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống mua bán người; phòng, chống tệ nạn xã hội; kiến thức về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Quang cảnh Phiên toàn giả định

Chị Bùi Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Thắng cho biết: Với phương châm "Không tuyên truyền suông, không vận động chay", Hội chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức theo từng lĩnh vực. Đơn cử,  đối với các tiêu chí "Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không vi phạm chính sách dân số; không có trẻ suy dinh dưỡng và trẻ bỏ học", Hội chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên ngành mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về phòng chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ, phòng chống bạo lực gia đình gắn với giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, kỹ năng nuôi dạy con… Kết quả, toàn huyện hiện có 172 mô hình, tổ, nhóm, câu lạc bộ đang hoạt động; duy trì 19 tổ, nhóm phụ nữ thực hiện 5 không, 3 sạch; 68 mô hình Câu lạc bộ "Nhà sạch vườn đẹp", ... đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ, chung tay bằng nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần đưa huyện Bảo Thắng đạt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lào Cai và của khu vực.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2020 và năm 2021, Hội phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, vừa tập trung góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các cấp Hội vừa đẩy mạnh tuyên qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp; vừa tích cực tuyên truyền trên nền tảng số; ủng hộ nhu yếu phẩm cho các khu cách ly; chốt kiểm soát, kiểm dịch của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chống dịch với tống trị giá 8,8 tỷ đồng. Các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động kết nối thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên phụ nữ và Nhân dân, tiêu biểu như thành phố Lào Cai, Bắc Hà, thị xã Sa Pa... kết nối thị trường tiêu thụ trên 90 tấn nông sản, 30 tấn cá hồi ...qua đó đã phần nào giúp các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh giảm bớt khó khăn trong mùa dịch bệnh, giảm các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trong toàn tỉnh.

Nhiều mô hình hiệu quả

Cũng theo Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vũ Thị Tân, gắn liền với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình hiện có, gồm 472 mô hình với gần 21 nghìn thành viên; tiêu biêu là mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc"', Mô hình Người phụ nữ mới, Câu lạc bộ (CLB) Mẹ và bé, mô hình “Người cha tốt của con”; CLB “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn bạn trẻ với hôn nhân gia đình; thành lập 14 mô hình: "Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc", mô hình "Gia đình Phụ nữ không có bạo lực”... với 560 thành viên tham gia tại các xã của 9 huyện/thị/thành phố; qua đó đã góp phần tích cực hỗ trợ hội viên phụ nữ trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Hội đồng xét xử trong Phiên tòa giả định 

Bên cạnh đó, Hội phụ nữ các cấp luôn đóng góp tích cực trong phong trào  xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các cấp Hội đã duy trì duy trì, nhân rộng CLB “Nhà sạch, vườn đẹp" nâng tổng số lên 703 CLB với gần 22,7 nghìn thành viên tham gia; Mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế luôn được Hội phụ nữ các cấp chỉ đạo triển khai góp phần cho hội viên tham gia mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... Đến nay, Hội đã thành lập được 8 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, 8 tổ hợp tác, 67 mô hình liên kết sản xuất, 12 tổ nhóm cùng sở thích và 5 câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với 1.627 thành viên; duy trì sinh hoạt hiệu quả trên 102 mô hình phát triển kinh tế tập thể tại cấp cơ sở. Thông qua đó, giúp cho đời sống chị em phụ nữ, nhất là lao động nữ nông thôn ổn định hơn, nâng cao nhận thức, năng lực và vai trò của phụ nữ trong xã hội; góp phần cùng các cấp các ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đánh giá về Đề án 938 cho thấy các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của hội viên, phụ nữ trong cộng đồng. Chị em đã mạnh dạn lên tiếng khi bị bạo lực,  chủ động tìm kiếm các “địa chỉ tin cậy” để được hỗ trợ. Đồng thời, chị em cũng đã chủ động xây dựng kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái nên người. Đề án 938 được thực hiện dựa trên quan điểm lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động, vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết được một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ đã góp phần thiết thực bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, hình thành nếp sống theo Hiến pháp và pháp luật./.

Hồng Minh
Tin khác
1 2 3 4 5  ...