Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2025 của Thủ tướng chính phủ ban hành về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nêu quan điểm phát triển thống nhất cao nhận thức về vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Trong đó chỉ rõ các bộ, ngành, địa phương có liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ trên tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự”’, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Theo Chỉ thị nhiệm vụ giải pháp trọng tâm các bộ, ngành, địa phương cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chuyển mạnh quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và các dịch vụ công thuận lợi, nhanh chóng.
Đối với Bộ Tư pháp tăng cường đổi mới công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội. Triển khai hiệu quả Đề án “Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật” được phê duyệt tại Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tập trung xây dựng, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thể chế nhằm bảo đảm mục tiêu kiến tạo, thúc đẩy phát triển.
Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai thực hiện trên cơ sở Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ, Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình 81) và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2030" (Đề án 345).
Hiện nay thủ tục hành chính theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP còn phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp e ngại, không muốn tiếp cận hỗ trợ tư vấn pháp luật; nhiều doanh nghiệp e ngại khả năng lộ bí mật kinh doanh do phải gửi cho cơ quan nhà nước nội dung văn bản tư vấn pháp lý để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được các doanh nghiệp quan tâm, biết đến rộng rãi để tạo sức lan tỏa. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chủ động trong việc tiếp cận thông tin về pháp luật, chưa chủ động đề nghị hỗ trợ pháp lý. Theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là trung tâm chủ động trong việc yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho mình; cụ thể hóa các giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP theo hướng dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, ngành nghề và lĩnh vực, để doanh nghiệp có thể tiếp cận và được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Mục tiêu của Chương trình là hướng tới triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình đã đề ra các nhóm mục tiêu chính như triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Đảm bảo các nội dung và nhiệm vụ triển khai bám sát nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.