Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Chính phủ định hướng sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp
Lượt xem: 3
Ngày 15/4/2025, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã ban hành công văn số 03/CV-BCĐ gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm định hướng việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) hai cấp trong giai đoạn 2025–2030.

Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trước khi xây dựng đề án sắp xếp

Theo hướng dẫn, các địa phương phải tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình đối với các phương án sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã. Việc lấy ý kiến cần thực hiện theo hình thức linh hoạt như phát phiếu trực tiếp, trực tuyến hoặc họp đại diện các hộ gia đình để biểu quyết.

Đáng chú ý, việc sắp xếp các huyện đảo, thành phố đảo được định hướng chuyển đổi thành các “đặc khu” để phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp. Trong đó, riêng tỉnh Kiên Giang sẽ đề xuất thành lập hai đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu.

Giữ ổn định tổ chức, tăng cường phân quyền

Chính quyền địa phương cấp tỉnh sau sắp xếp sẽ tiếp tục giữ mô hình gồm HĐND và UBND. Số lượng sở và các ban của HĐND được quy định cụ thể, tối đa 14 sở đối với các tỉnh và 15 sở đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Chính phủ định hướng tiếp tục phân quyền mạnh cho cấp tỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực quy hoạch, tài chính – ngân sách, đất đai, đầu tư... nhằm nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương.

Tối đa 4 phòng chuyên môn tại cấp xã

Đối với chính quyền cấp xã (xã, phường, đặc khu), UBND cấp xã sẽ tổ chức tối đa 04 phòng và tương đương, gồm:

1. Văn phòng HĐND và UBND

2. Phòng Kinh tế (áp dụng với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế – Hạ tầng và Đô thị (đối với phường, đặc khu Phú Quốc)

3. Phòng Văn hóa – Xã hội

4. Trung tâm phục vụ hành chính công

Số lượng các cơ quan chuyên môn sẽ được UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không vượt quá 4 phòng. Các phòng này đảm nhiệm nhiều chức năng tổng hợp, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến cải cách hành chính, tư pháp, pháp luật.

Tinh giản bộ máy, giữ ổn định trong chuyển tiếp

Về biên chế, 100% biên chế cấp huyện hiện có sẽ được chuyển về cấp xã sau sắp xếp. Dự kiến, biên chế trung bình mỗi xã mới sẽ khoảng 32 cán bộ, công chức (chưa tính khối đảng, đoàn thể). Những trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn có thể được bố trí công tác khác, nghỉ chế độ hoặc tinh giản theo quy định.

Từ ngày 1/8/2025, sẽ chấm dứt sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Việc tổ chức lại thôn, tổ dân phố cũng sẽ được xem xét sau khi hoàn tất sắp xếp ĐVHC.

Tăng cường tự chủ, phục vụ người dân tốt hơn

Chính quyền cấp xã sau sắp xếp sẽ đảm nhận một phần nhiệm vụ của cấp huyện hiện nay, trực tiếp cung cấp dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Chính phủ yêu cầu đảm bảo điều kiện làm việc, trụ sở, phương tiện và đời sống cho cán bộ trong giai đoạn chuyển tiếp, tránh gián đoạn hoạt động quản lý nhà nước.

Việc triển khai mô hình CQĐP 2 cấp và sắp xếp lại ĐVHC không chỉ hướng đến bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà còn đặt người dân vào trung tâm phục vụ. Đây được xem là bước chuyển đổi lớn trong cải cách hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước giai đoạn mới.

Tải về

Hà Phương
Tin khác
1 2 3 4 5  ...