Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo Kế hoạch số 342/KH-UBND ngày 22 tháng 08 năm 2023 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 24/7/2023 của Tỉnh ủy Lào Cai về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (viết tắt là PCCC và CNCH) gồm một số nội dung sau
Ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 24/7/2023 của Tỉnh ủy, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương; phân công rõ trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã kèm theo cơ chế kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và chế tài xử lý trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong công tác PCCC và CNCH; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH. Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH, phòng chống đuối nước trẻ em để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân; tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH; xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, cụ thể: Chỉ đạo Phòng Văn hóa và thông tin, UBND cấp xã tổ chức phát ít nhất 03 lần/tuần (bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc) trên hệ thống truyền thanh cơ sở để tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH cho nhân dân, khoảng thời gian sáng sớm hoặc cuối buổi chiều. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại các cơ quan, trường học, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu vực tập trung các cơ sở kinh doanh, khu dân cư...; lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, sinh hoạt hè để tuyên truyền, giáo dục trang bị kiến thức về PCCC và nâng cao tâm lý, kỹ năng xử lý khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố cho cán bộ, nhân dân; vận động cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2 (đối với 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải mở lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lôí gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt...); vận động xây dựng, tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC tại khu dân cư; mỗi hộ gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, công cụ phá dỡ thô sơ phục vụ công tác chữa cháy ban đầu khi có sự cố, tình huống xảy ra; tuyên truyền cho người thân, bạn bè, gia đình cài đặt, sử dụng thành thạo app “Báo cháy 114”... kết hợp phát tài liệu, khuyến cáo, tờ rơi tuyên truyền và tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn về PCCC. Tập trung tuyên truyền những kiến thức cơ bản về PCCC rừng; nguyên nhân xảy ra cháy và hậu quả do cháy rừng gây ra; phổ biến, giáo dục các biện pháp chủ yếu trong phòng cháy rừng và kỹ năng chữa cháy rừng, kỹ thuật sử dụng một số dụng cụ, phương tiện chữa cháy rừng; đánh giá đúng thực trạng nguy cơ cháy, khả năng cháy lan; đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống cháy rừng đã và đang triển khai như công tác xây dựng, tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ, công tác xây dựng phương án PCCC rừng, thực tập phương án PCCC rừng và phương án thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi cháy xảy ra. Chỉ đạo UBND cấp xã có rừng tuyên truyền thường xuyên việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn PCCC rừng qua hệ thống loa phát thanh tại các thôn, bản, tổ dân phố... (trong đó, chú trọng tuyên truyền cảnh báo các nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn do bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không xử lý, đốt rác cạnh khu vực rừng; không thắp hương, đốt vàng mã, đốt ong và vứt các vật có mồi lửa như: than, củi, tàn thuốc lá đang cháy...) trong và xung quanh khu vực rừng; tích cực tố giác cá nhân có hành vi phá hoại, đốt gây cháy rừng....; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng đối với các chủ rừng là hộ gia đình và các hộ dân hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng, chấp hành nghiêm túc việc sử dụng lửa đốt rác, đốt nương, đồng ruộng, đốt, dọn, xử lý thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy cần thực hiện nghiêm theo quy định tại Khoản 3, Điều 47, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Chỉ đạo tăng cường thực hiện kiểm tra công tác PCCC và CNCH thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo thành lập Tổ công tác trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn giải quyết dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm các quy định của pháp luật và không đảm bảo yêu cầu về PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý; các cơ sở đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực hiện không đảm bảo an toàn về PCCC; xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC và CNCH theo thẩm quyền; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở tập trung đông người. Khi cấp phép xây dựng, cải tạo đối với các nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải xem xét việc bảo đảm các quy định về an toàn PCCC và CNCH theo quy định. Tăng cường công tác hậu kiểm, kiên quyết thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và CNCH sau khi có kết luận chính thức của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời xử lý nghiêm, rút giấy phép xây dựng, cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, không đúng giấy phép, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC trong đầu tư xây dựng..., chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép, không phép trên đất nông nghiệp không đảm bảo an toàn PCCC. Công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát . Bảo đảm thực hiện Quy hoạch về phòng cháy, chữa cháy theo Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh đảm bảo thống nhất, đồng bộ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; quản lý và ưu tiên bố trí kinh phí cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người; ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án, công trình có vốn đầu tư công để khắc phục những tồn tại về an toàn PCCC .
Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng rà soát xây dựng phương án PCCC rừng thuộc địa bàn được phân cấp. Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng, chủ đầu tư thực hiện các quy định, biện pháp an toàn về PCCC rừng theo quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng kiểm tra, đánh giá hiệu quả của đường băng cản lửa, nguồn nước, việc cắm biển cảnh báo... Tuyên truyền và kiểm tra, khuyến cáo người dân trong việc đốt nương làm rẫy; phối hợp tham gia diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn các cấp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cầu tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả… Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn 100% lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2 (đối với nhà từ 02 tầng trở lên thoát qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt...), tự trang bị bình chữa cháy, công cụ phá dỡ thô sơ phục vụ công tác chữa cháy ban đầu khi có sự cố, tình huống xảy ra.
Phấn đấu trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 01 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH; mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy; 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, CNCH tại chỗ, ngay từ cơ sở; có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn an toàn và thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ; chỉ đạo giải phóng phần diện tích đất dành cho thoát hiểm đã được quy hoạch sau các khu dân cư; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng Báo cháy 114; tham mưu huy động, bố trí nguồn lực, xã hội hoá để hỗ trợ các gia đình hộ nghèo, cận nghèo trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu, dụng cụ phá dỡ thô sơ.
Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo phân cấp trên địa bàn để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC; lập hồ sơ quản lý về PCCC đối với cơ sở thuộc diện quản lý; củng cố, xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở; thường xuyên sơ kết, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng... Hàng năm, 100% khu dân cư phải tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH theo các tình huống đã đề ra để nâng cao khả năng, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ. Chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến theo hướng tự phòng, tự quản về PCCC tại khu dân cư, cơ quan, đơn vị, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; giải quyết chế độ, chính sách kịp thời, đúng quy định đối với người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, CNCH; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và CNCH; vận động, khuyến khích người dân tình nguyện tham gia công tác PCCC và CNCH. Chỉ đạo rà soát, thống kê các cơ sở, khu dân cư trên địa bàn quản lý, nhất là cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; không bỏ sót, bỏ lọt cơ sở; tích cực vận động Nhân dân tự nguyện di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ có nguy hiểm cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư và đầu tư, mua sắm thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH tại chỗ. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 07/12/2022 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Quản lý tốt đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng gắn với đảm bảo quy định về PCCC và CNCH; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ dự án vi phạm pháp luật về PCCC và CNCH cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm; chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng mới đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu về PCCC. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chữa cháy và CNCH hiện đại, phù hợp với tình hình, sự phát triển của đất nước. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp công tư, xã hội hoá... để mua sắm trang thiết bị PCCC và CNCH. Tăng cường chỉ đạo, rà soát quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải toả để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Trước mắt tổ chức khảo sát, xây dựng các bến, bãi, điểm lấy nước cho xe chữa cháy tại các nguồn nước tự nhiên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2009/BXD-BCA ngày 14/4/2009 của Bộ Xây dựng - Bộ Công an; lắp đặt bổ sung các trụ nước chữa cháy tại Trung tâm hành chính các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo đủ số lượng và khoảng cách theo QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH, tăng cường đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính. Định kỳ tổ chức thống kê, báo cáo công tác PCCC và CNCH tại địa phương về UBND tỉnh theo quy định.