Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Những kết quả đạt được sau 04 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 về phối hợp thực hiện Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại Lào Cai
Lượt xem: 372

Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (TTLT số 10) quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2018. Để triển khai thực hiện Thông tư, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương đã ban hành Quyết định số 3149/QĐ-HĐPH ngày 28/12/2018 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Thông tư liên tịch số 10. Căn cứ quyết định này, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-HĐPH ngày 23/01/2019 về triển khai Thông tư liên tịch số 10. Các ngành thành viên hội đồng căn cứ nội dung Kế hoạch để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo việc phối hợp được triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, đồng thời, ban hành các văn bản để chỉ đạo việc thực hiện trong phạm vi ngành.

Hội đồng tổ chức kiểm tra công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại huyện Văn Bàn

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng, đã trình UBND tỉnh ban hành các Quyết định kiện toàn Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Lào Cai do có thay đổi thành viên hội đồng; ban hành Quyết định kiện toàn Tổ giúp việc Hội đồng. Hằng năm, căn cứ Kế hoạch của Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương, trình Hội đồng ban hành kế hoạch hoạt động tại địa phương.

Qua công tác kiểm tra cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng đều triển khai thực hiện tốt các nội dung Thông tư liên tịch số 10, niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại nơi người dân dễ dàng tiếp cận; Các biểu mẫu Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và thông báo về trợ giúp pháp lý được lưu đầy đủ trong hồ sơ vụ án. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện nghiêm túc việc cấp Thông báo đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, thông báo trước thời gian, địa điểm thực hiện các hoạt động tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho các Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng, nghiên cứu hồ sơ vụ án, quan điểm bào chữa, bảo vệ quyền lợi của người thực hiện trợ giúp pháp lý được ghi nhận trong bản án theo đúng quy định.

Về kết quả thực hiện phối hợp trong trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh: Trung tâm đã cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Trại tạm giam Công an tỉnh và đồn biên phòng các xã biên giới tổng số là 59 bộ Bảng thông tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý; Thực hiện cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng các biểu mẫu: Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý, Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý, Thông báo về trợ giúp pháp lý, Thông tin về trợ giúp pháp lý, Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý (Mẫu 01, 02, 03, 04, 05 ban hành kèm theo TTLT số 10); Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018). Cung cấp danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm cho cơ quan tiến hành tố tụng. Thực hiện cử trợ giúp viên tham gia tố tụng theo yêu cầu kịp thời. Thực hiện các hoạt động truyền thông năm 2020, phối hợp với VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phóng sự về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, nội dung từ các vụ việc tham gia tố tụng mà trợ giúp viên của trung tâm đã tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trên địa bàn; Năm 2021, 2022, các chi nhánh TGPL đã phối hợp với Công an huyện Bắc Hà, VKSND huyện Bắc Hà, Sa Pa và đồn Biên phòng Mường Khương thực hiện khoảng 20 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người dân tại các xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn. Hoạt động truyền thông về Trợ giúp pháp lý có sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút nhiều người dân tham dự, giúp cho người dân hiểu về các quy định pháp luật hiện hành, chính sách trợ giúp pháp lý của nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, góp phần phòng ngừa các vi phạm pháp luật và tội phạm. Ngoài ra, trong năm 2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đã tổ chức 01 Hội nghị tập huấn Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư liên tịch số 10 cho những người tiến hành tố tụng, cán bộ Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh.

Về kết quả phối hợp thực hiện TGPL thông qua hình thức tham gia tố tụng: Tổng  số vụ việc tham gia tố tụng từ năm 2019 đến hết 30/6/2022 là 1.358 vụ, trong đó tham gia bào chữa là 1.151 vụ, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong vụ án hình sự 45 vụ, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong vụ án dân sự 159 vụ, hành chính 3 vụ, số vụ án thuộc trường hợp chỉ định 120 vụ. Số vụ việc tham gia tố tụng năm sau cao hơn năm trước khoảng 15 – 20%. Các vụ việc tham gia tố tụng chủ yếu trong lĩnh vực pháp luật hình sự (chiếm khoảng 88%). Số vụ việc tham gia tố tụng trong trong lĩnh vực pháp luật dân sự còn khá khiêm tốn so với tổng số vụ án dân sự mà tòa án hai cấp đã thụ lý giải quyết trong những năm qua.

 Thông qua hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Lào Cai và việc thực hiện nghiêm túc các nội dung của TTLT số 10 của các ngành thành viên đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Nhiều vụ án cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm TGPL cử trợ giúp viên tham gia từ giai đoạn tin báo, tố giác tội phạm, bắt người phạm tội quả tang, bắt người trong trường hợp khẩn cấp,...đã góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người thuộc diện trợ giúp pháp lý giúp cho các hoạt động tố tụng được thực hiện khách quan, toàn diện, bảo đảm quyền được bào chữa, bảo vệ theo quy định pháp luật, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Qua thực tiễn 04 năm triển khai thực hiện TTLT số 10 tại địa phương còn một số khó khăn bất cập đã được khắc phục dần thông qua việc kiểm tra công tác phối hợp hàng năm, số vụ việc TGPL thông qua hoạt động tố tụng tăng lên đã phản ánh những người thuộc diện TGPL trong các vụ án đã được bảo đảm quyền lợi theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, về diện người được TGPL theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 còn bất cập, như trường hợp “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự phải có khó khăn về tài chính” mới được TGPL miễn phí và một số đối tượng khác thuộc khoản 7 điều 7 Luật TGPL năm 2017, đã gây nên khó khăn cho các đối tượng tiếp cận chính sách trợ giúp pháp lý và người tiến hành tố tụng cũng khó xác định đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Do vậy, trong thời gian tới đề nghị Hội đồng phối hợp ở Trung ương xem xét đề xuất sửa đổi Luật TGPL theo hướng mở rộng diện đối tượng được TGPL theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật TGPL năm 2017, bỏ điều kiện có khó khăn về tài chính”, đồng thời trong quá trình sửa đổi bổ sung TTLT số 10 cần sửa quy định tại khoản 3 Điều 7: Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi yêu cầu phân công người bào chữa cho Trung tâm trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL để thống nhất việc sử dụng các biểu mẫu trong quá trình thực hiện hoạt động phối hợp TGPL.

Trần Thị Chinh
Tin khác
1 2 3 4 5  ...