Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật
Để tăng cường thực hiện các giải pháp xây dựng cơ sở giết mổ, quản lý hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, ngày 28/5/2023, UBND tỉnh đã ký ban hành văn bản số 2409/UBND-NLN, theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh về xây dựng và quản lý cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ; đảm bảo mục tiêu theo Đề án số 01/ĐA-TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai. Đặc biệt tại các huyện: Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn và thành phố Lào Cai khẩn trương rà soát quỹ đất, bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ tập trung. Đối với những địa bàn có điều kiện về đất đai, có số lượng gia súc, gia cầm giết mổ lớn, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục kêu gọi, tạo điện kiện tốt nhất đề các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở, dây truyền giết mổ động vật áp dụng công nghệ hiện đại. UBND thành phố Lào Cai chỉ đạo xây dựng phương án, lộ trình cụ thể di dời cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Hoàng Long Lào Cai tại tổ 1 phường Kim Tân hiện nay không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y.
Tại các địa bàn chưa có cơ sở giết mổ tập trung, tổ chức rà soát, sắp xếp những hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ đủ điều kiện để thực hiện nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới điểm giết mổ nhỏ lẻ, tạm thời đảm bảo đúng yêu cầu, tiêu chí theo quy định và có kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan thú y; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 30/10/2023 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất phương án triển khai, thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật biết để thực hiện theo quy định; đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo để người tiêu dùng có thói quen sử dụng thịt gia súc, gia cầm được cung cấp từ các cơ sở có kiểm soát của cơ quan thú y.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm soát giết mổ (KSGM), vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP). Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường, trên tinh thần, nhất quán quan điểm: (i) Thịt gia súc lưu thông, bày bán trên thị trường phải có dấu KSGM hoặc tem vệ sinh thú y; dấu KSGM hoặc tem vệ sinh thú y chỉ được đóng/cấp tại cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y theo quy định; (ii) Kinh doanh giết mổ là kinh doanh có điều kiện được quy định tại Điều 64 Luật Thú y và Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ; vì vậy việc giết mổ động vật chỉ được thực hiện tại cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: Giết mổ động vật tại nơi không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bày bán thịt gia súc, gia cầm trên vỉa hè, lòng đường...; xem xét thu hồi Giấy phép kinh doanh giết mổ đối với các hộ không chấp hành các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm để kinh doanh gây mất ATTP, không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến trật tự khu dân cư hoặc làm dịch bệnh lây lan qua khâu giết mổ gia súc, gia cầm.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, nhân viên thú y thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đối với cơ sở giết mổ động vật; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc xây dựng và quản lý hoạt động của cơ sở giết mổ, điểm giết mổ nhỏ lẻ; bố trí nhân lực làm công tác kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ, cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện tốt nhất để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại; hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư về trình tự, thủ tục theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về chủ trương thực hiện các dự án đầu tư về nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh để đảm bảo thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết số 10 -NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .
4. Sở Tài Chính: Tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho các địa phương khi xây dựng cơ sở giết mổ quy mô nhỏ theo Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh. Hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư về trình tự, thủ tục, hồ sơ thanh quyết toán kinh phí theo Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 và Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh tỉnh Lào Cai.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát việc bố trí quỹ đất tại mỗi địa phương báo cáo UBND cấp huyện trong tháng 7/2023 để có cơ sở thu hút nhà đầu tư vào xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm. Đồng thời, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định và xây dựng các công trình xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.
6. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, chủ động phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm soát, kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường./.
Tải về