Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Một số kết quả ban đầu sau 01 năm thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”
Lượt xem: 464

Sau 01 năm thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (sau đây viết tắt là Đề án 407) trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cùng với việc tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, việc triển khai, thực hiện Đề án 407 trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Về kết quả trong việc nhận thức, hầu hết các cấp, các ngành đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân.

 Qua việc chỉ đạo tổ chức, hướng dẫn thực hiện Đề án 407, nhiều cán bộ, công chức nhất là các Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh,  Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, và Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã đã hiểu rõ hơn nội dung truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL. Từ đó đã nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện Đề án 407 trên địa bàn toàn tỉnh.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai triển khai Đề án 407 đã được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm triển khai sâu rộng qua nhiều kênh thông tin khác nhau với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Về cơ bản 100% các cơ quan, đơn vị, địa phường đã xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án 407 theo hướng dẫn UBND tỉnh; Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh. Có thể thấy việc tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện Đề án 407 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương là nghiêm túc, bước đầu đã mang lại kết quả tích cực

Về nội dung chính sách truyền thông, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có sự lựa chọn bám sát các vấn đề được dư luận xã hội và cộng đồng quan tâm; các chính sách lớn có tác động, tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống của người dân hoặc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các hoạt động truyền thông được các cơ quan, đơn vị thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú và sinh động, một số cơ quan đã chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo, đồng thời tạo cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện góp ý, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật, phát huy dân chủ, quyền của công dân tham gia quản lý nhà nước, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.

Về cách thức phối hợp truyền thông: Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai các hoạt động truyền thông, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn vào các dự thảo: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; …. theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh. Điển hình như Công an tỉnh, tỉnh đã tuyên truyền 05 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trong năm 2023, đồng thời tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền, đóng góp ý kiến đối với các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khoá XV” với sự tham gia 110  đại biểu.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tập trung truyền thông dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức lấy ý kiến của hội viên, phụ nữ; mở chuyên mục “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” trên Cổng thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh; đăng tải toàn văn dự thảo, những nội dung trọng tâm xin ý kiến để hội viên phụ nữ và Nhân dân thuận tiện tra cứu, tham gia. Hội LHPN cấp xã đã chủ trì và phối hợp với các ban ngành đoàn thể tại địa phương tổ chức 82 hội nghị lấy ý kiến của với sự tham gia của hơn 4.600 hội viên, phụ nữ và Nhân dân. Qua các hội nghị đã thu thập được 57 lượt ý kiến góp ý đối với các nội dung của dự thảo.

Huyện Bảo Yên đã tổ chức lấy ý kiến vào 07 dự thảo luật, thông qua văn bản, hội nghị, đăng tải trên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook,... thực hiện đăng tải nội dung truyền thông dự thảo chính sách trên Trang thông tin điện tử của huyện, phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở.

Huyện Bảo Thắng đã chỉ đạo Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Truyền thông huyện tuyên truyền, truyền thông dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên các phương tiện thông tin của địa phương; trên cổng thông tin điện tử; tại các hội nghị...để mọi tầng lớp Nhân dân được tiếp cận, tìm hiểu và tham gia ý kiến; phối hợp với UBMTTQ Việt Nam huyện tổ chức 15 hội nghị tại huyện và 14 xã; thị trấn. UBND các xã; thị trấn đã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức 94 hội nghị để lấy ý kiến Nhân dân đến 188/188 thôn; tổ dân phố (tổng số 109 hội nghị)…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được còn bộc lộ những nhược điểm và hạn chế như: Vẫn còn có một số cơ quan, đơn vị khi được giao tham mưu xây dựng các văn bản QPPL chỉ tập trung vào nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL mà chưa nhân thức được tầm quan trọng hoạt động truyền thông dự thảo văn bản đó đến với cán bộ, công chức, viên chức và người dân do đó chưa chủ động xây dựng tài liệu định hướng thông tin để phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí truyền thông.

Hình thức truyền thông của nhiều cơ quan, đơn vị còn chủ yếu là theo trình tự, thủ tục xây dựng VBQPPL và lồng ghép với việc thực hiện các hoạt động thường xuyên của cơ quan nên hiệu quả thực hiện chưa cao.

Kinh phí thực hiện Đề án 407 còn hạn chế chủ yếu bố trí trong kinh phí thường xuyên của các cơ quan đơn vị được giao tham mưu xây dựng các văn bản QPPL.

Nguyên nhân của những nhược điểm và hạn chế là do: Truyền thông dự thảo chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ mới, cán bộ, công chức được giao tham mưu công tác truyền thông của các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tham mưu triển khai các nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân.

Các điều kiện đảm bảo cho công tác truyền thông, đặc biệt kinh phí hiện nay rất eo hẹp do đó hoạt động truyền thông dự thảo chính sách mới đang dừng ở mức đăng tải dự thảo và các ý kiến tham gia trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương được giao tham mưu xây dựng các văn bản QPPL, ít tổ chức các hội nghị, hội thảo hoặc xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Do đó, để triển khai có hiệu quả Đề án 407 trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã đề xuất Bộ Tư pháp tăng cường ban hành các văn bản hướng dẫn để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách theo mục tiêu đề ra tại Quyết định 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách là một khâu trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, giúp cho mọi tầng lớp Nhân dân biết, hiểu và tham gia ý kiến vào dự thảo chính sách, tạo sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện văn bản. Hỗ trợ, hướng dẫn địa phương xây dựng đội ngũ, truyền thông chính sách, xây dựng nền tảng, mô hình, cơ chế phối hợp trong công tác truyền thông chính sách. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông chính sách, kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng xử lý thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng cho đội ngũ truyền thông của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần xác định nội dung chính sách và những vấn đề cần truyền thông, chủ động xây dựng tài liệu truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật. Chủ động đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của đơn vị mình để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân dễ tiếp cận thông tin. Lập dự toán kinh phí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được giao./.

Minh Thuý
Tin khác