Thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân
Ngày 12 tháng 4 năm 2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp với Ban điều hành và các cơ quan thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, như sau:
Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước. Việc thực hiện có hiệu quả Đề án còn góp phần hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng lấy con người là trung tâm và thực hiện các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Điều này rất phù hợp với bản chất của chế độ ta, thể hiện rất rõ ngay từ bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, rồi được thể chế vào các bản Hiến pháp, các đạo luật, bộ luật của Nhà nước ta. Chính vì thế, Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện về nguồn lực để triển khai và đã có những chỉ đạo kịp thời.
Sau thời gian hơn 6 năm triển khai thực hiện Đề án, mặc dù có những khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ (đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21 tháng 2 năm 2021 về tăng cường thực hiện Đề án này), các cơ quan tham gia Đề án đã triển khai thực hiện được một khối lượng công việc khá lớn với nhiều hoạt động khác nhau. Đặc biệt, biểu dương Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cơ quan chủ trì Đề án - đã triển khai thực hiện và hoàn thành hầu hết các hoạt động theo Kế hoạch tổng thể đề ra, về cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã tích cực hỗ trợ các cơ quan về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là cung cấp kiến thức, kỹ năng về quyền con người.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Đề án vẫn còn một số hoạt động chưa được triển khai hoặc triển khai chưa kịp thời so với mục tiêu, kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan, do một số bộ, cơ quan chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, chưa bố trí ngân sách kịp thời cho việc triển khai các hoạt động của Đề án. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án chưa được chú trọng.
Để bảo đảm đạt được các mục tiêu của Đề án, đề nghị các cơ quan tham gia thực hiện Đề án tập trung một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, các cơ quan tham gia Đề án cần rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ được phân công, điều chỉnh Kế hoạch hoạt động và triển khai kịp thời các hoạt động của Đề án cho phù hợp với yêu cầu. Kế hoạch hoạt động cần cụ thể, xác định rõ nội dung, yêu cầu, kết quả của từng hoạt động. Bên cạnh đó cần xác định rõ lộ trình, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện. Các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch tài chính thích hợp phục vụ cho các hoạt động của Đề án.
Thứ hai, các cơ quan tham gia Đề án cần bố trí nhân sự bảo đảm tính ổn định và có đủ điều kiện để tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được phân công.
Thứ ba, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ trì, điều phối, hỗ trợ các cơ quan tham gia thực hiện Đề án; tổ chức triển khai việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Thứ tư, Bộ Tài chính hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan tham gia thực hiện Đề án trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, bảo đảm nguồn lực để các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Giáo dục quyền con người là công việc thường xuyên, lâu dài và cần được bố trí ngân sách thường xuyên hằng năm.
Thứ năm, các sản phẩm của Đề án cần được cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế. Xác định các mục tiêu, đối tượng, phương pháp giáo dục rõ ràng và nghiên cứu, đề xuất để tiếp tục triển khai hoạt động giáo dục quyền con người ở giai đoạn tiếp theo; mở rộng đối tượng hưởng lợi, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng không chỉ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, sau đại học trong hệ thống cơ sở giáo dục của Trung ương và địa phương mà còn trong các cơ quan (lập pháp, tư pháp, truyền thông, ngoại giao…) của cả hệ thống chính trị; nghiên cứu, xem xét xây dựng ngành luật mới về quyền con người; mở rộng thêm các cơ quan thực hiện đề án, xác định rất rõ nhiệm vụ, không chỉ giáo dục, đào tạo nâng cao nhận thức mà cần phải bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong hoạt động thực tiễn ở các bộ, ngành và địa phương; xây dựng kế hoạch truyền thông, thông tin dữ liệu về quyền con người gắn với Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định 1079/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ sáu, thống nhất với kiến nghị của Ban điều hành Đề án về việc: (i) Tổ chức Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người vào thời điểm phù hợp; (ii) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc nghiên cứu, xây dựng và trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình giai đoạn mới.