Chỉ thị đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh
Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp để cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và đạt được một số kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra, Chỉ số PAPI của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế: Năm 2021, 2022 Chỉ số PAPI của tỉnh Lào Cai xếp trong nhóm các địa phương đạt điểm thấp nhất (năm 2021: xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố; năm 2022: xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố); một số Chỉ số nội dung chưa có nhiều sự chuyển biến tích cực, giảm điểm/giảm thứ hạng. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Đối với các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh: (i) Người đứng đầu các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh Lào Cai; khuyến khích, phát huy tính năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị, địa phương; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với công tác thi đua, khen thưởng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. (ii) Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị, cá nhân đảm bảo rõ quy trình giải quyết, thời gian và kết quả thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, có hiệu quả, chất lượng các mục tiêu được giao tại Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 22/3/2023 của UBND tỉnh Lào Cai để phục vụ nhân dân được tốt hơn, tạo niềm tin trong nhân dân. (iii) Tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng các hình thức thích hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số PAPI để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận trong xã hội. (iv) Đưa nội dung thực hiện cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI, cùng với các Chỉ số: PAR INDEX, SIPAS vào chương trình chỉ đạo thực hiện thường xuyên hàng tuần, hàng tháng của các cấp, các ngành, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, như: Đất đai; y tế; giáo dục, môi trường; bảo hiểm xã hội; an ninh trật tự; lao động TBXH… (v). Thực hiện Chỉ số PAPI là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, địa phương và của cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. (vi) Tăng cường công tác tự kiểm tra, đánh giá, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến Chỉ số PAPI, đặc biệt là việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
2. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, chỉ đạo trong hệ thống tổ chức MTTQ ở địa phương phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền để Nhân dân biết, hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa của Chỉ số PAPI; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện tốt các quyền được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, được giám sát, được quyết định đối với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hướng dẫn cơ quan MTTQ ở địa phương phối hợp với UBND cùng cấp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, Hội Cựu chiến binh tỉnh thực hiện nhiệm vụ đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức tham gia giám sát, phản hồi ý kiến về chất lượng Dịch vụ công...
3. UBND các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện nghiêm túc công khai các quy hoạch, kế hoạch đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công bố, công khai mục đích sử dụng đất, mức giá đền bù khi thu hồi đất, khung giá đất trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện, thị xã, thành phố; công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư.
Chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức thích hợp, bảo đảm người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống hằng ngày, ý thức được quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của Nhân dân; tăng cường các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân.
Chỉ đạo UBND cấp xã, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung UBND tỉnh chỉ đạo trong Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 22/3/2023; chủ động phối hợp Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở và nhân dân trên địa bàn...; huy động người dân tham gia cải thiện điều kiện môi trường sinh thái tại khu dân cư; phát hiện kịp thời những điểm nóng về ô nhiễm môi trường để có biện pháp xử lý, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở địa phương; thực hiện đầy đủ việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương; đồng thời có tiếp thu, giải trình thông tin kịp thời, xem xét điều chỉnh và công khai để người dân được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương; xét duyệt danh sách hộ nghèo đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, đúng đối tượng; giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các nội dung kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…; tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm bảo đi vào thực chất, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tích cực thực hiện các khoản đóng góp tự nguyện; bãi bỏ việc bắt buộc tổ chức, công dân thực hiện các khoản đóng góp tự nguyện. Đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân đối với các vấn đề dân sinh, các khúc mắc trong đời sống hằng ngày; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ chế dân cử như: Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư công cộng./.
Tải về