Bài 14: Thực hiện dân chủ ở cơ sở Người lao động ở doanh nghiệp kiểm tra, giám sát
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2022 gồm có 6 chương và 91 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Thực hiện dân chủ ở cơ sở Người lao động ở doanh nghiệp kiểm tra, giám sát tại Tiểu mục 4 chương IV từ Điều 75 đến Điều 81 như sau:
Nội dung người lao động kiểm tra, giám sát (Điều 75)
Người lao động ở doanh nghiệp nhà nước kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà tập thể người lao động đã bàn và quyết định quy định tại Điều 67 của Luật này.
Người lao động giám sát việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của doanh nghiệp nhà nước, việc thực hiện chính sách, pháp luật của người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành và những người có thẩm quyền khác của doanh nghiệp.
Hình thức người lao động kiểm tra, giám sát (Điều 76)
Người lao động trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát tại doanh nghiệp nhà nước thông qua:
Hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt của người lao động ở doanh nghiệp;
Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người có chức vụ, quyền hạn, người lao động khác trong doanh nghiệp;
Tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của doanh nghiệp hoặc người được giao quản lý, thực hiện các nội dung người lao động đã bàn và quyết định;
Tham dự hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, các hoạt động hội họp, sinh hoạt tập thể khác tại nơi làm việc.
Người lao động thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước.
Tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước (Điều 77)
Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước do hội nghị người lao động bầu gồm từ 03 đến 09 thành viên theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp nhà nước có tính chất đặc thù hoặc hoạt động phân tán thì hội nghị người lao động có thể quyết định số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân nhiều hơn để bảo đảm hoạt động có hiệu quả.
Thành viên Ban Thanh tra nhân dân là người đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong doanh nghiệp, có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có hiểu biết về chính sách, pháp luật và tự nguyện tham gia Ban Thanh tra nhân dân; không đồng thời là người đại diện có thẩm quyền, thành viên ban lãnh đạo, điều hành, kế toán trưởng của doanh nghiệp.
Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân là 02 năm. Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết thành viên hoặc thành viên Ban Thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tín nhiệm hoặc xin thôi làm nhiệm vụ thì Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) đề nghị hội nghị người lao động quyết định cho thôi làm nhiệm vụ và bầu người khác thay thế.
Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; Phó Trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện nhiệm vụ; các thành viên khác thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước (Điều 78)
Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể người lao động; giám sát việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của doanh nghiệp nhà nước.
Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.
Yêu cầu người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc xác minh, kiểm tra, giám sát.
Xem xét, xác minh vụ việc cụ thể theo đề nghị của người lao động ở doanh nghiệp.
Kiến nghị ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp khắc phục hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua việc kiểm tra, giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của người lao động có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước (Điều 79)
Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước do Ban Chấp hành Công đoàn tại doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động.
Căn cứ vào nghị quyết hội nghị người lao động của doanh nghiệp nhà nước và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình công tác theo từng quý, 06 tháng và hằng năm.
Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với Ban Chấp hành Công đoàn và tại hội nghị người lao động của doanh nghiệp nhà nước.
Xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của người lao động (Điều 80)
Thông qua việc kiểm tra, giám sát trực tiếp, người lao động tham gia ý kiến đóng góp với người có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước để kịp thời khắc phục các bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức, quản lý; ngăn ngừa tiêu cực, vi phạm pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đóng góp giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp.
Khi phát hiện hành vi, nội dung có dấu hiệu vi phạm, người lao động có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hoặc kiến nghị, phản ánh đến người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp nhà nước; kiến nghị, phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, Công đoàn, tổ chức đại diện khác của người lao động, tổ chức đoàn thể tại doanh nghiệp mà mình là thành viên, hội viên hoặc phản ánh, đề nghị Ban Thanh tra nhân dân xem xét, thực hiện kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người lao động theo thẩm quyền hoặc thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát (Điều 81)
Ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm sau đây:
Phối hợp cùng Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có), căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế của doanh nghiệp, xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ để quy định cụ thể hơn nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp mình làm cơ sở để người lao động kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nội dung của quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp có thể mở rộng hơn phạm vi thực hiện dân chủ của người lao động nhưng không được trái hoặc hạn chế việc thực hiện các nội dung đã được quy định trong Luật này;
Tạo lập cơ chế tiếp nhận góp ý, kiến nghị, phản ánh của người lao động tại doanh nghiệp; thực hiện việc đối thoại, giải trình với người lao động theo quy định của pháp luật;
Xem xét, giải quyết, giải trình và trả lời kịp thời kiến nghị, phản ánh của người lao động, kiến nghị của Công đoàn, tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) và các tổ chức đoàn thể khác tại doanh nghiệp; chuyển thông tin đến cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
Tạo điều kiện và bảo đảm để Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật bằng cách thông báo cho Ban Thanh tra nhân dân về chính sách, pháp luật chủ yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Ban Thanh tra nhân dân; xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, thông báo kết quả giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị; thông báo cho Ban Thanh tra nhân dân kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh và việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp mình;
Xử lý người có hành vi cản trở người lao động thực hiện quyền kiểm tra, giám sát; người có hành vi trả thù, trù dập người lao động thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; người có hành vi cản trở hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, trả thù, trù dập thành viên Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.
Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm sau đây:
Giới thiệu nhân sự để hội nghị người lao động bầu làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân; công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân; đề nghị cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân;
Hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khi xét thấy cần thiết;
Xem xét, giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân gửi đến người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp hoặc cấp có thẩm quyền;
Vận động người lao động phối hợp và tích cực hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;
Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân.
Người lao động chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; chủ động, tích cực phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc xác minh, kiểm tra, giám sát đối với các nội dung mà mình đã kiến nghị, đề nghị.