Ngày 06 tháng 6 hằng năm là Ngày người cao tuổi Việt Nam. Theo Luật người cao tuổi quy định Người cao tuổi có các quyền sau đây: Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ; Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác; Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người cao tuổi có các nghĩa vụ sau đây: Nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Tại Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tỉnh Lào Cai năm 2024 có mục tiêu chung nhằm thay đổi nhận thức của toàn xã hội, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể
Truyền thông nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng
- 100% cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo và bố trí ngân sách cho chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi (NCT).
- Ít nhất 55% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi.
- Từ 40% NCT có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khoẻ
- 15 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với NCT.
Khám sức khỏe, phát hiện, quản lý điều trị bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi
- Số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt ít nhất 64%.
- Số người cao tuổi được được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt từ 85% trở lên.
- Số người cao tuổi bị bệnh được khám và điều trị đạt 90%.
- Số người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khám và điều trị tại nơi ở đạt 60%.
- Số người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm phổ biến đạt 55%.
- Số người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khoẻ bởi gia đình và cộng đồng phấn đấu đạt 90%.
- Ít nhất 66% số câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe.
- Đạt 40% số xã phường, thị trấn có ít nhất 01 CLB chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, có ít nhất 01 tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khoẻ NCT.
Phát triển cơ sở chăm sóc tập trung và điều trị bệnh cho người cao tuổi
- Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện thành lập khoa lão khoa hoặc có giường bệnh điều trị cho người cao tuổi tại các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa.
- Phấn đấu 55% bệnh viện tuyến tỉnh có khoa lão khoa và bệnh viện tuyến huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi.
- Ít nhất 90% người cao tuổi (từ 60 +) có thẻ BHYT.
Các hoạt động chính gồm:
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền; đẩy mạnh truyền thông, vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi. Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. . Xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Sở Y tế là cơ quan thường trực, theo dõi, giám sát và đôn đốc các đơn vị tổ chức triển khai Kế hoạch; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe NCT theo quy định. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin, tài liệu để hướng dẫn các các cơ quan báo chí, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố; Đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe NCT; quá trình già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe NCT; các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT và NCT tự chăm sóc trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn trong việc: Trình cấp kinh phí triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ NCT, quản lý và khám sức khoẻ định kỳ; tuyên truyền phổ biến về nội dung của Kế hoạch, huy động nguồn lực thực hiện đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tổ chức triển khai một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đã giao trong kế hoạch; hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của Kế hoạch, tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động đầy đủ và đúng theo quy định.