Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Bài 3: Quy định Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13/2023/NĐ-CP)
Lượt xem: 576

   Nghị định 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, quy định Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân

   Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu

Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu được áp dụng đối với tất cả các hoạt động trong quy trình xử lý dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu chỉ có hiệu lực khi chủ thể dữ liệu tự nguyện và biết rõ các nội dung sau:

a) Loại dữ liệu cá nhân được xử lý;

b) Mục đích xử lý dữ liệu cá nhân;

c) Tổ chức, cá nhân được xử lý dữ liệu cá nhân;

d) Các quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu.

Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng văn bản, giọng nói, đánh dấu vào ô đồng ý, cú pháp đồng ý qua tin nhắn, chọn các thiết lập kỹ thuật đồng ý hoặc qua một hành động khác thể hiện được điều này.

Sự đồng ý phải được tiến hành cho cùng một mục đích. Khi có nhiều mục đích, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân liệt kê các mục đích để chủ thể dữ liệu đồng ý với một hoặc nhiều mục đích nêu ra.

Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

 Sự im lặng hoặc không phản hồi của chủ thể dữ liệu không được coi là sự đồng ý.

Chủ thể dữ liệu có thể đồng ý một phần hoặc với điều kiện kèm theo.

Đối với xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm, chủ thể dữ liệu phải được thông báo rằng dữ liệu cần xử lý là dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu có hiệu lực cho tới khi chủ thể dữ liệu có quyết định khác hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

Trong trường hợp có tranh chấp, trách nhiệm chứng minh sự đồng ý của chủ thể dữ liệu thuộc về Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân.

Thông qua việc ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự, tổ chức, cá nhân có thể thay mặt chủ thể dữ liệu thực hiện các thủ tục liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu với Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp chủ thể dữ liệu đã biết rõ và đồng ý theo quy định tại khoản 3 Điều này, trừ trường hợp luật có quy định khác.

   Rút lại sự đồng ý

Việc rút lại sự đồng ý không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của việc xử lý dữ liệu đã được đồng ý trước khi rút lại sự đồng ý.

Việc rút lại sự đồng ý phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

Khi nhận yêu cầu rút lại sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thông báo cho chủ thể dữ liệu về hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra khi rút lại sự đồng ý.

Sau khi thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này, Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Xử lý dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu, Bên thứ ba phải ngừng và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan ngừng xử lý dữ liệu của chủ thể dữ liệu đã rút lại sự đồng ý.

   Thông báo xử lý dữ liệu cá nhân

Việc thông báo được thực hiện một lần trước khi tiến hành đối với hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.

Nội dung thông báo cho chủ thể dữ liệu về xử lý dữ liệu cá nhân:

a) Mục đích xử lý;

b) Loại dữ liệu cá nhân được sử dụng có liên quan tới mục đích xử lý quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Cách thức xử lý;

d) Thông tin về các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới mục đích xử lý quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

đ) Hậu quả, thiệt hại không mong muốn có khả năng xảy ra;

e) Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc xử lý dữ liệu.

Việc thông báo cho chủ thể dữ liệu phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân không cần thực hiện quy định lại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau:

a) Chủ thể dữ liệu đã biết rõ và đồng ý toàn bộ với nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trước khi đồng ý cho Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân tiến hành thu thập dữ liệu cá nhân, phù hợp với các quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

   Cung cấp dữ liệu cá nhân

Chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp cho bản thân dữ liệu cá nhân của mình.

Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân:

a) Được cung cấp dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu cho tổ chức, cá nhân khác khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Thay mặt chủ thể dữ liệu cung cấp dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu cho tổ chức hoặc cá nhân khác khi chủ thể dữ liệu đồng ý cho phép đại diện và ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc cung cấp dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu được Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân không cung cấp dữ liệu cá nhân trong trường hợp:

a) Gây tổn hại tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;

b) Việc cung cấp dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu có thể ảnh hưởng tới sự an toàn, sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của người khác;

c) Chủ thể dữ liệu không đồng ý cung cấp, cho phép đại diện hoặc ủy quyền nhận dữ liệu cá nhân.

Hình thức yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân:

a) Chủ thể dữ liệu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân.

Người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân yêu cầu điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân.

Trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin không biết chữ hoặc bị khuyết tật không thể viết yêu cầu thì người tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin có trách nhiệm giúp điền các nội dung vào Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân;

b) Gửi Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân theo Mẫu số 01, 02 tại Phụ lục của Nghị định này qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân.

Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân phải được thể hiện bằng tiếng Việt gồm các nội dung chính sau đây: a) Họ, tên; nơi cư trú, địa chỉ; số chứng minh nhân dân, thể căn cước công dân hoặc số hộ chiếu của người yêu cầu; số fax, điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có); b) Dữ liệu cá nhân được yêu cầu cung cấp, trong đó chỉ rõ tên văn bản, hồ sơ, tài liệu; c) Hình thức cung cấp dữ liệu cá nhân; d) Lý do, mục đích yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân.

Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này thì phải kèm theo văn bản đồng ý của cá nhân, tổ chức liên quan. Tiếp nhận yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân. a) Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân và theo dõi quá trình, danh sách cung cấp dữ liệu cá nhân theo yêu cầu; b) Trường hợp dữ liệu cá nhân được yêu cầu không thuộc thẩm quyền thì Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân nhận được yêu cầu phải thông báo và hướng dẫn tổ chức, cá nhân yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền hoặc thông báo rõ ràng việc không thể cung cấp dữ liệu cá nhân.

Giải quyết yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân

Khi nhận được yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân hợp lệ, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân có trách nhiệm cung cấp dữ liệu cá nhân thông báo về thời hạn, địa điểm, hình thức cung cấp dữ liệu cá nhân; chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin qua dịch vụ bưu chính, fax (nếu có) và phương thức, thời hạn thanh toán; thực hiện việc cung cấp dữ liệu cá nhân theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều này.

   Chỉnh sửa dữ liệu cá nhân

Chủ thể dữ liệu: a) Được truy cập để xem, chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình sau khi đã được Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thu thập theo sự đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác; b) Trường hợp không thể chỉnh sửa trực tiếp vì lý do kỹ thuật hoặc vì lý do khác, chủ thể dữ liệu yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình.

Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu sau khi được chủ thể dữ liệu cá nhân đồng ý ngay khi có thể hoặc theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp không thể thực hiện thì thông báo tới chủ thể dữ liệu sau 72 giờ kể khi nhận được yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu.

Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba được chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của chủ thể dữ liệu sau khi được Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân đồng ý bằng văn bản và biết rõ rằng đã có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu

Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.

Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.

Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.

Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.

Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

    Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được ghi âm, ghi hình và xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình tại nơi công cộng với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật mà không cần có sự đồng ý của chủ thể. Khi thực hiện việc ghi âm, ghi hình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo để chủ thể hiểu được mình đang bị ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Xử lý dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, đã chết

Việc xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến dữ liệu cá nhân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thanh niên của người đó, trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 và Điều 18 Nghị định này. Trường hợp không có tất cả những người được nêu trên thì được coi là không có sự đồng ý.

Xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em

Xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em luôn được thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ các quyền và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải có sự đồng ý của trẻ em trong trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định này. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba phải xác minh tuổi của trẻ em trước khi xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em.

Ngừng xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, xóa không thể khôi phục hoặc hủy dữ liệu cá nhân của trẻ em trong trường hợp: a) Xử lý dữ liệu không đúng mục đích hoặc đã hoàn thành mục đích xử lý dữ liệu cá nhân được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em rút lại sự đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; c) Theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có đủ căn cứ chứng minh việc xử lý dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

   Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo chỉ được sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được thu thập qua hoạt động kinh doanh của mình để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Việc xử lý dữ liệu cá nhân của khách hàng để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo phải được sự đồng ý của khách hàng, trên cơ sở khách hàng biết rõ nội dung, phương thức, hình thức, tần suất giới thiệu sản phẩm.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm chứng minh việc sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được giới thiệu sản phẩm đúng với quy định nêu trên.

   Thu thập, chuyển giao, mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân

Tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn chặn tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị dịch vụ của mình.

Việc thiết lập các hệ thống phần mềm, biện pháp kỹ thuật hoặc tổ chức các hoạt động thu thập, chuyển giao, mua, bán dữ liệu cá nhân không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu là vi phạm pháp luật.

  Thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Trường hợp phát hiện xảy ra vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thông báo cho Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) chậm nhất 72 giờ sau khi xảy ra hành vi vi phạm theo Mẫu số 03 tại Phụ lục của Nghị định này. Trường hợp thông báo sau 72 giờ thì phải kèm theo lý do thông báo chậm, muộn.

 Bên Xử lý dữ liệu cá nhân phải thông báo cho Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân một cách nhanh nhất có thể sau khi nhận thấy có sự vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nội dung thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân: a) Mô tả tính chất của việc vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm: thời gian, địa điểm, hành vi, tổ chức, cá nhân, các loại dữ liệu cá nhân và số lượng dữ liệu liên quan; b) Chi tiết liên lạc của nhân viên được giao nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân; c) Mô tả các hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra của việc vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; d) Mô tả các biện pháp được đưa ra để giải quyết, giảm thiểu tác hại của hành vi vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

 Trường hợp không thể thông báo đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này, việc thông báo có thể được thực hiện theo từng đợt, từng giai đoạn.

Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân phải lập Biên bản xác nhận về việc xảy ra hành vi vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, phối hợp với Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) xử lý hành vi vi phạm.

 Tổ chức, cá nhân thông báo cho Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) khi phát hiện các trường hợp sau: a) Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với dữ liệu cá nhân; b) Dữ liệu cá nhân bị xử lý sai mục đích, không đúng thỏa thuận ban đầu giữa chủ thể dữ liệu và Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân hoặc vi phạm quy định của pháp luật; c) Không bảo đảm quyền của chủ thể dữ liệu hoặc không được thực hiện đúng; d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

(Xem tiếp bài 4)

Quỳnh Anh
Tin khác
1 2 3