Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý
nhà nước, khắc phục dứt điểm những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23 tháng 9 năm 2022 về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số
hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa,
phục hồi và phát triển du lịch, Chỉ thị yêu cầu:
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc
Bộ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du
lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương:
Quán triệt, nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý
nhà nước trong toàn cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến
pháp luật, đặc biệt hệ thống pháp luật về quản lý chuyên ngành; chủ động, linh
hoạt và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ; thường xuyên theo dõi tình hình, xử
lý tình huống, tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của các tổ
chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp;
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi
công vụ; thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ,
không đùn đẩy, né tránh; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là kỹ năng giải quyết, xử lý các công việc phức tạp,
mang tính liên ngành;
Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa
phương liên quan trong thực thi nhiệm vụ, chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động thông
qua các hình thức trao đổi, đối thoại trực tiếp, hướng dẫn chuyên môn nghiệp
vụ, tổ chức hội nghị, giao ban chuyên đề theo định kỳ 6 tháng một lần hoặc đột
xuất khi phát sinh khó khăn, vướng mắc;
Rà soát, thẩm định chặt chẽ các hồ sơ cấp giấy phép,
cấp văn bản chấp thuận, thỏa thuận và chịu trách nhiệm về nội dung; đối với các
hoạt động phức tạp, nhạy cảm cần phát huy vai trò, sự tham gia của hội đồng
thẩm định, hội đồng chuyên môn và các cơ quan liên quan;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình
hình thực thi pháp luật trong tổ chức các hoạt động, xử lý hoặc kiến nghị xử lý
nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Chỉ thị nêu rõ việc tổ chức thực hiện của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Di
sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Tổng cục
Du lịch.
Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và
Thể thao, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương:
Tổ chức thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý chuyên ngành
tại địa phương; bố trí nguồn lực để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà
nước theo quy định, trong đó chú trọng các nhiệm vụ mới được phân cấp, ủy quyền
cho địa phương như: chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên
hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn, cuộc thi người đẹp, người mẫu, triển
lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, cấp phép phân loại phim;
Về quản lý hoạt
động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu: quản lý chặt chẽ số lượng, chất
lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn; tăng cường công tác phối
hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn, có yếu
tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ
chức nhiều vòng ở nhiều địa phương; thẩm định chặt chẽ hồ sơ (trong đó rà soát
kỹ Đề án bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn
hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của
địa phương) trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các
cuộc thi người đẹp, người mẫu; tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn
bản chấp thuận, kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu, chỉ đạo việc thu
hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm
pháp luật;
Về bảo vệ và
phát huy giá trị di sản văn hóa: phát hiện và tổ chức ngăn chặn kịp thời các
hành vi xâm phạm di tích, thực hành sai lệch di sản văn hóa phi vật thể gắn với
phát huy vai trò của cộng đồng và trách nhiệm của chính quyền địa phương ở cơ
sở; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho đội
ngũ chuyên môn và người trực tiếp trông coi di tích; chuẩn bị kỹ hồ sơ ghi danh
di sản văn hóa phi vật thể khi trình cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm
về nội dung, tính khoa học, pháp lý của hồ sơ;
Về quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội: tham mưu, rà
soát kế hoạch tổ chức lễ hội, điều chỉnh tần suất, quy mô phù hợp với tình hình
thực tiễn của địa phương; tổ chức giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, về các
giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; tăng cường kiểm tra,
theo dõi trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý
nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích
động bạo lực, biến tướng, làm sai lệch lễ hội truyền thống;
Về quản lý hoạt động phổ biến phim: tăng cường công
tác quản lý hoạt động phổ biến phim tại địa phương bảo đảm tuân thủ pháp luật
và tiêu chí phân loại; tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động cấp giấy phép phân
loại phim theo phân cấp, trên cơ sở nâng cao năng lực, trách nhiệm của hội đồng
thẩm định, phân loại phim;
Về quản lý hoạt động triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh,
xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng: nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ
quản lý và trách nhiệm của hội đồng nghệ thuật, bảo đảm sự phối hợp giữa cơ
quan quản lý, hội đồng nghệ thuật và các cơ quan liên quan trong quá trình quản
lý hoạt động; thẩm định chặt chẽ trước khi cấp phép các triển lãm mỹ thuật,
nhiếp ảnh; tăng cường kiểm tra, theo dõi các cuộc triển lãm trước khi khai mạc
và trong quá trình diễn ra bảo đảm tuân thủ nội dung đã được cấp phép; tổ chức
xác định vị trí, quy mô và nội dung tượng đài, tranh hoành tráng bảo đảm chất
lượng thẩm mỹ, phù hợp với lịch sử, văn hóa, điều kiện thực tiễn của địa
phương;
Về quản lý hoạt động du lịch: tăng cường công tác quản
lý điểm đến, cơ sở kinh doanh du lịch bảo đảm an toàn, an ninh cho khách du
lịch, bảo vệ cảnh quan chung, vệ sinh môi trường; có biện pháp ngăn chặn và xử lý
kiên quyết các hành vi gây mất an toàn cho khách du lịch, chèo kéo, trục lợi;
tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin cho du khách về trách
nhiệm bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh du lịch, chủ động lựa chọn dịch vụ,
phòng tránh tai nạn khi tham gia hoạt động du lịch trên địa bàn; tăng cường tổ
chức hoạt động phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch và triển
khai các chương trình liên kết đã ký.
Chỉ thị chỉ rõ việc tổ chức thực hiện đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn
hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối
hợp với các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ
thị này.