Quy định quản lý Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030
09/01/2023
Lượt xem: 128
Ngày
12/10/2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Thông tư 15/2022/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình quốc gia hỗ trợ
doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn
2021-2030. Theo đó, Thông tư này quy định quản lý Chương
trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm,
hàng hóa giai đoạn 2021-2030 (sau đây viết tắt là Chương trình) được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm
2020. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước;
tổ chức, cá nhân quản lý, thực hiện và tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc
Chương trình và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Các nhiệm vụ thuộc Chương trình gồm: (i) “Nhiệm vụ
khoa học và công nghệ” thuộc Chương trình gồm nhiệm vụ khoa học và công
nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh được tuyển chọn hoặc giao trực tiếp để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Mục II Điều 1 Quyết
định số 1322/QĐ-TTg, không bao gồm các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 15/2022/TT-BKHCN. (ii) “Nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao” để thực hiện các
nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chương trình, bao gồm: thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng; tổ chức các
khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng
suất, chất lượng; tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng, an toàn và sinh
thái của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực và hoạt động hợp tác
quốc tế về năng suất chất lượng quy định tại khoản 2, khoản
4, điểm c khoản 5 và khoản 6 Mục II Điều 1 Quyết định số 1322/QĐ-TTg và
hoạt động quản lý chung Chương trình
theo quy định tại khoản 3 Điều Điều 3 Thông tư 15/2022/TT-BKHCN. (iii) Hoạt động quản lý chung của Chương trình bao gồm: điều phối, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp thuộc Chương trình; tư vấn xác định
nhiệm vụ; tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; kiểm tra, thanh tra,
đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ; các cuộc họp, hội thảo; công tác trong nước và
nước ngoài; sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình và các hoạt động cần
thiết khác do cơ quan quản lý Chương trình ở Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ
ngành và địa phương trực tiếp thực hiện.
Bên cạnh đó Thông tư quy
định về hồ sơ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ về Chương trình
gồm: Công văn đề nghị đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ
chức chủ trì được lập theo Mẫu D1-CVNT kèm theo Thông tư 15/2022/TT-BKHCN; Báo
cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ được lập theo mẫu
D2-BCTHKQ kèm theo Thông tư
15/2022/TT-BKHCN; Các
sản phẩm, kết quả của nhiệm vụ theo hợp đồng và thuyết minh nhiệm vụ được phê
duyệt; và các văn bản điều chỉnh (nếu có); Báo cáo tự đánh giá kết quả thực
hiện nhiệm vụ được lập theo mẫu D3-BCTĐG kèm theo Thông tư 15/2022/TT-BKHCN; Bản sao hợp đồng và
thuyết minh nhiệm vụ; Các văn bản xác nhận và tài liệu liên quan đến công bố,
xuất bản, đào tạo, tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu (nếu có); Văn bản
xác nhận về sự thỏa thuận của các tác giả về việc sắp xếp thứ tự tên trong danh
sách tác giả thực hiện nhiệm vụ; Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí của nhiệm
vụ; Các tài liệu khác (nếu có).
Thông tư 15/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày
01/12/2022.
Thuỳ Linh