Lào Cai triển khai thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Đây là nội dung của Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 10/8/2023 của UBND tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gen. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và phù hợp với các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học và sức khoẻ con người; xử lý nghiêm hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm. Đảm bảo 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về đa dạng sinh học phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; 100% cán bộ chuyên trách trực tiếp thực hiện công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học được đào tạo, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ chuyên sâu. Xây dựng, củng cố đội ngũ giám định viên và cán bộ làm công tác định giá trong lĩnh vực này đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác này. Chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học.
Để thực hiện các mục tiêu trên, 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp được tập trung triển khai, bao gồm: (i) Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học. (ii) Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. (iii) Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan dến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. (iv) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. (v) Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong việc triển khai thực hiện Đề án.
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án; xây dựng báo cáo kết quả thực hiện; kịp thời báo cáo đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình thực tế. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo sau khi có hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương./.
Tải về