Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Quy định về giám sát tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Lượt xem: 200

Đây là nội dung của Thông tư số 19/2023/TT-NHNN ngày 28/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư này quy định về giám sát tiêu hủy tiền, bao gồm: tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành, tiền giả, tiền bị hủy hoại trái pháp luật (sau đây gọi là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước); tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng (sau đây gọi là tiền in, đúc hỏng) tại các cơ sở in, đúc tiền. Đối tượng áp dụng của Thông tư là: Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, Hội đồng giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng giám sát). Hội đồng tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, Hội đồng tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Hội đồng tiêu hủy). Các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước; các cơ sở in, đúc tiền và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiêu hủy tiền, giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền in, đúc hỏng (sau đây gọi là giám sát tiêu hủy tiền). Một số quy định của Thông tư cụ thể như sau:

1. Mục đích giám sát tiêu hủy tiền

1.1. Đảm bảo công tác tiêu hủy tiền thực hiện theo quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước.

1.2. Đảm bảo an toàn tài sản và bí mật Nhà nước trong công tác tiêu hủy tiền.

1.3. Đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong công tác tiêu hủy tiền.

2. Nguyên tắc giám sát tiêu hủy tiền

2.1. Việc giám sát tiêu hủy tiền được thực hiện tại các địa điểm, cơ sở tiêu hủy của Ngân hàng Nhà nước hoặc do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Thống đốc) quyết định.

2.2. Việc giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được thực hiện ở các khâu kiểm đếm chọn mẫu trước khi tổ chức tiêu hủy, kiểm đếm tiền tiêu hủy và cắt hủy (hoặc nấu hủy) hoàn toàn tiền tiêu hủy thành phế liệu.

2.3. Việc giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng được thực hiện ở các khâu giao, nhận tiền in, đúc hỏng giữa cơ sở in, đúc tiền với Hội đồng tiêu hủy tại thời điểm giao nhận, kiểm đếm tiền in, đúc hỏng và cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hoàn toàn tiền in, đúc hỏng thành phế liệu.

3. Giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

3.1. Giám sát việc kiểm đếm chọn mẫu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trước khi đưa vào tiêu hủy

3.1.1. Thực hiện giám sát kiểm đếm chọn mẫu các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (không bao gồm tiền đình chỉ lưu hành, tiền giả, tiền bị hủy hoại trái pháp luật) trong kho của Hội đồng tiêu hủy vào ngày đầu tiên của đợt tiêu hủy và lập Báo cáo kết quả kiểm đếm chọn mẫu tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông trước khi đưa vào tiêu hủy theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3.1.2. Nếu tổng số tiền được kiểm đếm chọn mẫu theo khoản 1 Điều này có tỷ lệ thừa, thiếu, lẫn loại không vượt 0,01% về mặt giá trị trên tổng giá trị tiền được kiểm đếm chọn mẫu; hoặc tổng số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông không vượt 0,5% về số lượng tờ trên tổng số tờ tiền được kiểm đếm chọn mẫu thì Hội đồng giám sát cho phép tiến hành công tác tiêu hủy tiền.

Trường hợp tổng số tiền được kiểm đếm chọn mẫu có tỷ lệ thừa, thiếu, lẫn loại hoặc tổng số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông vượt các tỷ lệ nêu trên thì Hội đồng giám sát lập biên bản và đề nghị Hội đồng tiêu hủy tăng số tiền được kiểm đếm chọn mẫu (số lượng kiểm đếm tăng thêm do hai Hội đồng thống nhất quyết định). Nếu số tiền được kiểm đếm chọn mẫu vẫn vượt các tỷ lệ nêu trên thì Hội đồng giám sát đề nghị Hội đồng tiêu hủy tạm thời chưa thực hiện công tác tiêu hủy tiền, đồng thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thống đốc.

3.2. Giám sát kiểm đếm tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

3.2.1. Giám sát việc giao, nhận tiền hàng ngày tại Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy theo quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước.

3.2.2. Giám sát việc thực hiện kiểm đếm tiền tiêu hủy. Giám sát và xác nhận đối với các trường hợp thừa, thiếu, lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông được phát hiện trong khâu kiểm đếm tiền.

3.2.3. Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm xác nhận kết quả kiểm đếm thực tế trên biên bản do Hội đồng tiêu hủy lập. Số tiền chưa kiểm đếm hết hoặc đã kiểm đếm nhưng chưa giao Tổ cắt hủy tiền phải được niêm phong, có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ kiểm đếm tiền tiêu hủy và gửi lại kho của Hội đồng tiêu hủy.

3.2.4. Trong quá trình giám sát, công chức giám sát được quyền yêu cầu kiểm đếm lại đối với tiền đã kiểm đếm trong ngày để đảm bảo tính chính xác của các bó tiền đã được kiểm đếm.

3.2.5. Đối với những loại tiền tiêu hủy không thực hiện kiểm đếm 100%, kết quả kiểm đếm phát hiện thừa, thiếu, lẫn loại hoặc có tổng số lượng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông trên tổng số lượng tiền đã kiểm đếm vào cuối mỗi đợt tiêu hủy theo quyết định của Thống đốc vượt quá các tỷ lệ quy định tại Điều 11 Thông tư này thì Tổ giúp việc báo cáo Hội đồng giám sát đề nghị Hội đồng tiêu hủy tăng tỷ lệ kiểm đếm đối với loại tiền có sai sót nhiều.

3.2. Giám sát cắt hủy (hoặc nấu hủy) tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

3.2.1. Giám sát việc giao, nhận tiền hàng ngày tại Tổ cắt hủy tiền theo quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước; giám sát và xác nhận đối với các trường hợp thừa, thiếu, lẫn loại, tiền giả, tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông phát sinh trong khâu giao, nhận tiền tại Tổ cắt hủy tiền.

3.2.2. Giám sát quá trình cắt hủy (hoặc nấu hủy) hoàn toàn tiền tiêu hủy thành phế liệu, đảm bảo phế liệu tiêu hủy không thể khôi phục để sử dụng lại như tiền dưới bất kỳ hình thức nào.

3.2.3. Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy xác nhận số tiền cắt hủy (hoặc nấu hủy) thực tế trên biên bản do Hội đồng tiêu hủy lập. Số tiền đã giao Tổ cắt hủy nhưng không cắt hủy (hoặc nấu hủy) hết trong ngày phải được niêm phong, có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ cắt hủy tiền và gửi lại kho của Hội đồng tiêu huỷ.

3.3. Giám sát việc chấp hành nội quy, quy định và thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

3.3.1. Giám sát việc thực hiện các nội quy, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước.

3.3.2. Giám sát việc thực hiện nội quy, quy trình nghiệp vụ trong khu vực kiểm đếm, khu vực cắt hủy tiền tiêu hủy qua hệ thống camera quan sát được lắp đặt tại phòng làm việc của Hội đồng giám sát.

3.3.3. Giám sát việc thực hiện các quy định vào, ra khu vực kiểm đếm, khu vực cắt hủy tiền tiêu hủy; giám sát đối với những trường hợp không có nhiệm vụ thực hiện công tác tiêu hủy tiền, khi vào khu vực tiêu hủy tiền phải có văn bản đồng ý của người có thẩm quyền theo quy định về tiêu hủy tiền của Ngân hàng Nhà nước và phải thông báo cho Hội đồng giám sát.

3.3.4. Định kỳ hàng tháng, chứng kiến việc kiểm kê kho tiền tiêu hủy của Hội đồng tiêu hủy trong thời gian thực hiện công tác giám sát tiêu hủy tiền.

3.3.5. Thực hiện niêm phong phòng kiểm đếm, phòng cắt hủy trong giờ nghỉ giải lao, giờ nghỉ trưa nếu đang bảo quản tiền tiêu hủy.

3.4. Giám sát số liệu tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

Giám sát, đối chiếu số liệu tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông với Hội đồng tiêu hủy, đảm bảo sự chính xác, khớp đúng giữa số liệu theo dõi trên sổ sách, báo cáo và số liệu tiêu hủy thực tế.

4. Giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng

4.1. Giám sát giao, nhận tiền in, đúc hỏng

Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng giữa cơ sở in, đúc tiền với Hội đồng tiêu hủy tiền tại thời điểm giao nhận, đối chiếu sự khớp đúng về số lượng, cơ cấu tiền in, đúc hỏng thực tế giao, nhận với số liệu theo quyết định tiêu hủy của Thống đốc.

4.2. Giám sát kiểm đếm tiền in, đúc hỏng

4.2.1. Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng hàng ngày tại Tổ kiểm đếm tiền theo quy định về tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.

4.2.2. Giám sát việc thực hiện các quy định, quy trình về kiểm đếm tiền in, đúc hỏng. Giám sát và xác nhận đối với các trường hợp thừa, thiếu, nhầm lẫn được phát hiện trong khâu kiểm đếm tiền.

4.2.3. Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm xác nhận kết quả kiểm đếm tiền in, đúc hỏng trên biên bản do Hội đồng tiêu huỷ lập. Số tiền in, đúc hỏng chưa kiểm đếm hết hoặc đã kiểm đếm nhưng chưa giao Tổ cắt hủy thì phải được niêm phong có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát kiểm đếm và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ kiểm đếm tiền và gửi lại kho của Hội đồng tiêu huỷ.

4.2.4. Trong quá trình giám sát, công chức giám sát có quyền yêu cầu kiểm đếm lại đối với số tiền in, đúc hỏng đã kiểm đếm trong ngày để đảm bảo tính chính xác của các bó (hoặc gói, thùng) tiền đã được kiểm đếm.

4.3. Giám sát cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) tiền in, đúc hỏng

4.3.1. Giám sát việc giao, nhận tiền in, đúc hỏng từ kho của Hội đồng tiêu hủy, Tổ kiểm đếm đến Tổ cắt hủy và ngược lại.

4.3.2. Giám sát việc xử lý đối với trường hợp có nghi vấn thừa, thiếu, nhầm lẫn trong công đoạn cắt hủy theo quy định về tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.

4.3.3. Giám sát việc thực hiện cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hoàn toàn tiền in, đúc hỏng thành phế liệu, đảm bảo phế liệu tiêu hủy không thể khôi phục như trạng thái ban đầu dưới bất kỳ hình thức nào.

4.3.4. Cuối ngày, Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy xác nhận số tiền in, đúc hỏng đã cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) thực tế trên biên bản do Hội đồng tiêu hủy lập. Số tiền in, đúc hỏng đã giao Tổ cắt hủy nhưng không cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hết trong ngày, được niêm phong, có đủ chữ ký của Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ giám sát cắt hủy tiền và Tổ trưởng (hoặc Tổ phó) Tổ cắt hủy tiền và gửi lại kho của Hội đồng tiêu huỷ.

4.4. Giám sát việc chấp hành nội quy, quy định và thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền in, đúc hỏng

4.4.1. Giám sát việc chấp hành nội quy, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn trong công tác tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước.

4.4.2. Thực hiện niêm phong phòng kiểm đếm, phòng cắt hủy trong giờ nghỉ giải lao, giờ nghỉ trưa nếu đang bảo quản tiền in, đúc hỏng.

4.4.3. Việc thực hiện giám sát qua hệ thống camera quan sát do các cơ sở in, đúc tiền thực hiện và chịu trách nhiệm.

4.5. Giám sát số liệu tiêu hủy tiền in, đúc hỏng

Giám sát, đối chiếu số liệu tiêu hủy tiền in, đúc hỏng với Hội đồng tiêu hủy, đảm bảo sự chính xác, khớp đúng giữa số liệu theo dõi trên sổ sách, báo cáo và số liệu tiêu hủy thực tế.

5. Trách nhiệm của các đơn vị có liên quan

Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của Vụ kiểm toán  nội bộ; Chi cục Quản trị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Cục Phát hành và Kho quỹ (Chi cục Phát hành và Kho quỹ); Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Quản trị; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; Hội đồng tiêu hủy; Các cơ sở in, đúc tiền

Thông tư 19/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/02/2024.Thay thế Thông tư số 07/2017/TT-NHNN ngày 31/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành và tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng./.

Tải về

Lan Hương
Tin khác
1 2 3 4 5  ...