Tổ chức thực hiện đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021 – 2030
Tổ chức thực hiện đẩy mạnh
phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai
đoạn 2021 – 2030 theo Quyết
định số 387/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của
Thủ tướng chính phủ phê duyệ, về tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị như sau:
Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn
thể, tổ chức chính trị, xã hội để triển khai thực hiện Chương trình; xây dựng
kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn Hội khuyến học các cấp triển khai tổ chức thực
hiện Chương trình tại địa phương mình; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện
và ban hành các Bộ tiêu chí theo hướng nâng cao chất lượng các mô hình “gia
đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”và “đơn vị học tập”; Kiểm
tra, giám sát, đánh giá tác động và hiệu quả triển khai Chương trình của các
địa phương; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp, đề xuất Thủ tướng
Chính phủ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển
khai phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị
giai đoạn 2021 - 2030.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam
đánh giá tác động và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng
trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học
tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”; Chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo
phối hợp với Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai, giám sát,
đánh giá công nhận các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng
đồng, đơn vị trên địa bàn cấp xã.
Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ
trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo
chí Trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền
về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đánh giá việc phát triển văn
hóa đọc trong gia đình, cộng đồng và việc xây dựng xã hội học tập gắn với
Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ
trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam trong việc đánh giá mô hình “Gia đình
học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, gắn kết với
việc xây dựng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”,
“Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm để
thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Tổ
chức tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung ứng các
chương trình học tập suốt đời; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và người lao động
trong đơn vị được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tích cực tham gia xây
dựng các mô hình học tập; Tổ chức lồng ghép việc thực hiện Chương trình với quá
trình triển khai thực hiện các chương trình, đề án khác liên quan (xây dựng
nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình, tổ dân phố, làng bản văn hóa...).
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có
trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện mục tiêu của Chương trình tại địa
phương; chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương phối hợp với Hội khuyến học
cùng cấp triển khai có hiệu quả Chương trình trên địa bàn; Chỉ đạo các cơ quan
thông tin - truyền thông của địa phương tổ chức tuyên truyền về xã hội học tập,
học tập suốt đời, về giáo dục người lớn và về các mô hình học tập trong Chương
trình; Chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo phối hợp với Hội khuyến học kiểm tra,
giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai các mô hình học tập và ra quyết định
công nhận các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đạt danh hiệu “Gia đình học
tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính
trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội ở trung ương có liên
quan: Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động các
cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài; lồng ghép
các tiêu chí xây dựng các mô hình học tập vào tiêu chí công nhận “Nông thôn
mới”, “đô thị văn minh”, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động,
phong trào thi đua khác; Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề
nghiệp và các tổ chức xã hội ở trung ương có liên quan phối hợp với Hội khuyến
học Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc
xây dựng xã hội học tập cũng như các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học
tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.