Những năm gần đây, thiên tai diễn biến bất thường, gây
thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính
trị, nhất là của các địa phương và sự chủ động người dân, công tác phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiệt hại
do thiên tai năm 2021 thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, công tác phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng còn những hạn chế, đặc biệt khi xảy ra
tình huống thiên tai, sự cố phức tạp: công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị
động, lúng túng; phương châm “bốn tại chỗ” chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi
còn hình thức; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu trước
sự tàn phá của thiên tai; thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác
phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; vẫn còn tình trạng bất cẩn, chủ quan
dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người trong bão, lũ; công tác khắc phục
hậu quả thiên tai triển khai còn chậm, không dứt điểm, thiếu nguồn lực; vận
hành liên hồ chứa còn bất cập.
Từ đầu năm 2022, thiên tai tiếp tục bất thường (mưa lũ
giữa mùa khô kèm dông lốc, sóng lớn tại Trung Bộ; mưa lớn gây ngập úng nhiều đô
thị; rét lịch sử cuối tháng 2 năm 2022, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc; động
đất liên tiếp tại Kon Tum).
Để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn,
giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính
phủ ban hành Chỉ thị số 9/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022
về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
tiếp tục chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công, tập
trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Ban
chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chính sách, pháp luật của
Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác
phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận
thức và hành động, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn, trong đó xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng,
cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và
toàn xã hội.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt
động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm đồng bộ, tạo hành lang
pháp lý đầy đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó bổ sung các chế tài bảo đảm
thực thi pháp luật, tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách, đồng thời tạo cơ
chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, xã hội hóa hoạt động phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh bảo hiểm rủi ro thiên tai,...
Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch,
kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô
thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy
hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng
vùng; bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven
biển.
Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên
tai; đầu tư hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn theo
hướng tích hợp, đồng bộ, tự động hóa, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng
thủy văn biển; đẩy nhanh lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, mực nước phục vụ vận
hành hồ chứa và thiết bị cảnh báo xả lũ hạ du hồ chứa, hệ thống giám sát trực
tuyến vận hành hồ chứa, trọng điểm đê điều, tàu thuyền hoạt động trên biển.
Đẩy mạnh phòng ngừa thiên tai, sự cố; tổ chức kiểm tra
công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây
dựng trước mùa mưa lũ; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã
được phê duyệt.
Nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên
tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà
nước, cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, đảm
bảo đủ năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ.
Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác
phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác cứu hộ, cứu nạn, trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công
tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời
bình” của lực lượng vũ trang.
Đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết
bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích
phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm
“bốn tại chỗ”.
Đẩy
mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự
cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép
nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy trong
nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Các Bộ, ngành và địa
phương chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được
giao, nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công
tác phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; có giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn
lực ngoài ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý dứt điểm trọng điểm
đê điều, hồ chứa nước xung yếu.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế,
chuyển đổi số; hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa bộ cơ sở dữ liệu phòng,
chống thiên tai; phát huy hoạt động của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai; thúc
đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, nhất là với các nước thượng nguồn sông Hồng,
sông Mê Kông.
Một số nhiệm vụ cụ thể của Bộ, ngành, địa phương được nêu cụ thể tại Chỉ
thị trong đó chỉ rõ
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai rà soát
kiện toàn, đảm bảo hoạt động của Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo;
hướng dẫn các địa phương đảm bảo hoạt động tham mưu chỉ đạo điều hành phòng,
chống thiên tai trong mọi tình huống. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố,
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị
phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa lũ của các ngành, địa
phương; đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh thông qua Bộ chỉ số.
Tổ chức theo dõi diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc
tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác ứng phó theo quy định; chỉ
đạo công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức, kỹ
năng ứng phó thiên tai, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trong
phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn
mới bền vững.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn chỉ đạo
nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra công
tác phòng chống cháy nổ, cháy rừng, thực hiện quy chế ứng phó sự cố tràn dầu, sự
cố chất thải và tìm kiếm cứu nạn của một số địa phương. Chỉ đạo đầu tư hiện đại
hóa phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất
là khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp trên biển, vùng sâu, vùng
xa, bảo đảm tìm kiếm cứu nạn kịp thời. Kiện toàn hệ thống tổ chức, xây dựng kế
hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức công tác huấn
luyện, diễn tập tại một số địa phương. Chỉ đạo ứng trực, kịp thời điều động lực
lượng, phương tiện của các Bộ, ngành và địa phương ứng phó sự cố, thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo
kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn các cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tổ chức xây
dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định của
Luật phòng, chống thiên tai; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai trên
địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ
đập; tổ chức diễn tập theo phương án được phê duyệt. Chỉ đạo lồng ghép nội dung
phòng chống, thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án của địa
phương. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động và sử dụng hiệu quả các
nguồn lực hợp pháp
khác cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó chú trọng
đầu tư phòng ngừa rủi ro thiên tai: hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo
sớm thiên tai; triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản
lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; củng cố, nâng cấp đê điều, hồ đập; bổ
sung trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng
lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương, nhất là
cơ quan trực tiếp tham mưu giúp việc cho Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở. Quản
lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép, lấn
chiếm, sử dụng trái phép đất ven sông, ven biển gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng
đến an toàn đê điều. Tổ chức
thu, quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định của
pháp luật. Tiếp tục triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên
tai cấp tỉnh, phong trào thi đua “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng
đồng an toàn” gắn xây dựng cộng đồng an toàn với xây dựng nông thôn mới.
Chỉ thị giao
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp với Ủy ban
quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi, kiểm tra, đôn
đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị này.