Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xây dựng pháp luật; hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký
Công điện số 805/CĐ-TTg ngày 11-9-2022 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công
tác xây dựng pháp luật; hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ
tư Quốc hội khóa XV.
Từ tháng 10/2021 đến nay, Chính
phủ đã xem xét, cho ý kiến 24 đề nghị xây dựng và 19 dự án luật, dự thảo nghị
quyết. Trong năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 06 phiên họp chuyên đề để xem xét,
cho ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình xây
dựng luật, pháp lệnh.
Để tiếp tục tăng cường công tác
xây dựng pháp luật trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các đồng
chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các công việc sau đây:
Về tăng cường công tác xây dựng
pháp luật, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực
tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật của
Bộ, cơ quan ngang bộ, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, góp ý các dự
án luật, đề nghị xây dựng luật theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội; thực
hiện nghiêm túc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội; chấp hành nghiêm các nghị quyết của Chính phủ về phiên họp
chuyên đề xây dựng pháp luật, các kết luận, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng
pháp luật, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm
pháp luật; Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số
39/NĐ-CP ngày 18-6-2022 của Chính phủ; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung
và tiến độ trình các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Các cơ quan chủ trì soạn thảo dự
án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan
của Đảng, Quốc hội và các bộ, cơ quan liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức thành viên của Mặt trận, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương tham vấn rộng rãi ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp,
chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của chính sách; chủ động
truyền thông trên các phương tiện thông tin về các đề xuất chính sách, tạo sự
đồng thuận của xã hội, của nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, ban hành
văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, hoàn thiện
dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động
phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu tiếp thu tối
đa ý kiến xác đáng; trường hợp còn ý kiến khác nhau, các Bộ trưởng trực tiếp
trao đổi để thống nhất trước khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo
quy định tại điểm d, Khoản 3 Điều 8 của Quy chế làm việc của Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát
các nhiệm vụ xây dựng các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được
giao trong năm 2022, chủ động đề xuất các nội dung cần báo cáo Chính phủ để
kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình phiên họp chuyên đề xây dựng
pháp luật hằng tháng từ nay đến hết năm 2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước
ngày 15-9-2022.
Về việc chuẩn bị và trình các dự án luật tại kỳ họp thứ
4, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Quốc phòng, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Thông tin và
Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương tiếp thu ý kiến kết luận
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội
và các cơ quan liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật để trình
Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
Các dự án luật gồm: dự án Luật đất đai (sửa đổi), dự án
Luật đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật giá (sửa
đổi), dự án Luật phòng thủ dân sự, dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), dự
án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật phòng, chống rửa
tiền (sửa đổi) (Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp) và các dự án
Luật khác (nếu có).
Nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật,
gửi xin ý kiến Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua
tại kỳ họp thứ 4.
Các dự án luật gồm: dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,
dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, dự án
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án Luật Thanh tra (sửa đổi),
dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại
Kỳ họp thứ 4 là các dự án luật quan trọng, có nhiều nội dung phức tạp, nhạy
cảm, có phạm vi rộng, tác động lớn, được dư luận nhân dân và cộng đồng doanh
nghiệp rất quan tâm. Theo nội dung Công
điện Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì các
dự án Luật này và các bộ, cơ quan liên quan hết sức quan tâm, chỉ đạo việc hoàn
thiện các dự án Luật, bảo đảm gửi hồ sơ dự án Luật đúng quy định. Chủ động trao
đổi, làm việc với các cơ quan của Quốc hội để tạo sự đồng thuận. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh, bảo đảm đúng
Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.