Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
Mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được thực
hiện theo Quyết định 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng chính
phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, cụ thể như sau:
Quyết định
này quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy
định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18
tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: Đối tượng tổ
chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ; loại cây trồng, vật nuôi, nuôi
trồng thủy sản được hỗ trợ; loại rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ; mức hỗ trợ;
thời gian thực hiện hỗ trợ; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách trung
ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.
Quyết định
này áp dụng đối với: Tổ chức, cá nhân trồng lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê;
chăn nuôi trâu, bò, lợn và nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra thuộc đối
tượng quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18
tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp. Doanh nghiệp bảo hiểm
phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh
nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật
Kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá
nhân khác có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông
nghiệp.
Đối tượng
bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê. Vật
nuôi: Trâu, bò, lợn. Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Mức hỗ trợ
phí bảo hiểm nông nghiệp
Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ
nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27
tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -
2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có): Hỗ trợ mức tối đa theo
quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các
văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ
nghèo, cận nghèo quy định tại khoản 1 Điều này: Hỗ trợ mức tối đa theo quy định
tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các
văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Tổ chức sản xuất nông nghiệp: Hỗ trợ mức tối
đa theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các
văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) khi đáp ứng đầy đủ quy định sau:
Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành
lập theo Luật Hợp tác xã. Có hợp đồng liên kết gắn với sản phẩm nông nghiệp là
các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo quy
định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05
tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác
xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và văn bản sửa
đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Có sản phẩm nông nghiệp là các đối tượng được
hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được chứng nhận đảm bảo chất
lượng, an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền hoặc được công nhận là doanh
nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định pháp luật về tiêu chí,
thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao.
Rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ đối với trâu, bò, lợn
Thiên tai bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới,
lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy,
sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá,
sương muối, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dịch bệnh
bao gồm: Bệnh lở mồm long móng, tai xanh ở lợn (hội chứng rối loạn sinh sản và
hô hấp ở lợn), nhiệt thán, xoắn khuẩn. Dịch bệnh phải được công bố hoặc xác
nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Rủi ro
được bảo hiểm được hỗ trợ đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra
Thiên tai
bao gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do
mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm
nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, mưa đá, động đất, sóng thần. Thiên tai phải được
công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dịch bệnh:
Không hỗ trợ cho các rủi ro dịch bệnh đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá
tra.
Thời gian
thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày Quyết định này có hiệu lực
đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Quyết định
này có hiệu lực từ ngày 24 tháng 06 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Quyết định này thay thế Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày
26 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo
hiểm nông nghiệp và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg ngày
25 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số
điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày
26 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo
hiểm nông nghiệp.