Thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19
Nghị định số
29/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 4
năm 2022 Chính phủ ban hành quy định chi tiết và
biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30 tháng 12 năm 2021 của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách
trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị định
này quy định về: Điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng,
khám bệnh, chữa bệnh COVID-19. Kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung,
điều trị COVID-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống
dịch COVID-19. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh
COVID-19. Một số cơ chế đặc thù liên quan đến thuốc, nguyên liệu làm thuốc có
chỉ định sử dụng phòng, điều trị COVID-19. Chế độ chính sách đối với người được
điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19;
người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị
COVID-19.
Căn cứ điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng,
khám bệnh, chữa bệnh COVID-19:
Đề nghị
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám
đốc Sở Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố trực thuộc
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu hỗ trợ nhân lực tham gia
phòng, chống dịch COVID-19 theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo
Nghị định này;
Đề nghị của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và cơ sở y tế dự phòng có nhu cầu hỗ
trợ nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19;
Điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ sung nhân
lực hỗ trợ đối với các địa phương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở y tế dự
phòng để tăng cường lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19;
Điều động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ
trưởng Bộ Công an đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc phạm vi quản lý bổ sung nhân
lực hỗ trợ đối với các địa phương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở y tế dự
phòng để tăng cường lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Thẩm quyền điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm
chủng, khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 (sau đây gọi chung là điều động, huy động
lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19):
Bộ trưởng Bộ Y tế điều động, huy động lực
lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trong phạm vi toàn quốc, trừ lực
lượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an điều động, huy động lực lượng tham gia phòng,
chống dịch COVID-19 trong phạm vi quản lý;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương hoặc đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương ủy quyền điều động, huy động lực lượng tham gia phòng, chống dịch
COVID-19 trên địa bàn quản lý;
Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở
thu dung, điều trị COVID-19, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức
khỏe điều động, huy động lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 thuộc
phạm vi quản lý.
Tiếp nhận
và phân công người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh
COVID-19
Giám đốc Sở Y tế tiếp nhận, phân công lực
lượng do cơ quan có thẩm quyền điều động, huy động đến từng cơ sở để thực hiện
nhiệm vụ tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm
sóc, điều trị người nhiễm COVID-19.
Thủ
trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, cơ sở y
tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe thực hiện tiếp nhận, phân công
nhiệm vụ chi tiết cho từng vị trí, nhân lực phù hợp với yêu cầu chuyên môn tham
gia phòng, chống dịch COVID-19.
Kinh phí
chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập. Chi thường xuyên của cơ sở
thu dung, điều trị COVID-19 công lập (bao gồm cả tiền lương, tiền công, phụ cấp
theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật) được bảo đảm từ
nguồn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, chi trả của người sử dụng dịch vụ
và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trong đó ngân sách
nhà nước được thực hiện theo phân cấp như sau: Ngân sách trung ương bảo đảm đối
với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do trung ương thành lập, không bao gồm
phần ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho cơ sở thu dung, điều trị COVID-19; Ngân
sách địa phương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do địa phương
thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được thì ngân sách
trung ương hỗ trợ.
Chi
thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập bao gồm: Chi phí
bảo đảm hoạt động thường xuyên phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của
cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 công lập, trong đó có chi tiền lương, tiền
công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật đối
với người lao động tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả người được
điều động, huy động từ cơ sở khác đến), quần áo phòng hộ, khẩu trang phòng,
chống dịch, hóa chất khử khuẩn sử dụng trong công tác phòng, chống dịch
COVID-19, xử lý rác thải tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo yêu cầu
chuyên môn; Chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 bao gồm cả
các bệnh khác kèm theo (nếu có); Chi các chế độ, chính sách đối với người bệnh
COVID-19 theo quy định; Chi các chế độ, chính sách cho người tham gia phòng,
chống dịch COVID-19 theo quy định; Chi hỗ trợ tiền ăn (nếu có), chi thuê chỗ ở
(cơ sở lưu trú) hoặc ở tập trung theo quy định về chế độ công tác phí; chi phí
đi lại (đưa, đón) trong thời gian làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị
COVID-19 cho người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Nội dung
chi tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định của pháp
luật đối với người lao động tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả
người được điều động, huy động từ cơ sở khác đến): Tiền lương, tiền công, phụ
cấp theo lương và các khoản đóng góp theo lương theo mức lương ngạch, bậc, chức
vụ được pháp luật quy định đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
Phụ cấp phòng, chống dịch COVID-19; Phụ cấp thường trực (nếu có tham gia trực
24/24h), chi làm đêm và tiền làm thêm giờ (nếu có), chi phụ cấp phẫu thuật, thủ
thuật; Chi phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại bằng hiện vật, phụ cấp khu vực
(nếu có) và các khoản phụ cấp khác theo quy định.Đối với công chức, viên chức
không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác
quản lý, phục vụ tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thì thủ trưởng đơn vị
căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định việc được
hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương
ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt
khung (nếu có) của đối tượng được hưởng, nguồn chi trả từ nguồn thu sự nghiệp
của đơn vị, trường hợp không đủ thu ngân sách nhà nước hỗ trợ phần còn lại.
Nguyên
tắc thanh toán các khoản chi quy định tại khoản 3 Điều này: Khoản chi quy định
tại các điểm b và c được tính theo số ngày thực tế tham gia phòng, chống dịch
COVID-19 do cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 xác nhận; Khoản chi quy định tại
các điểm a và d được tính làm tròn theo số tháng làm việc tại cơ sở thu dung,
điều trị COVID-19. Trường hợp chưa tròn tháng và có ngày lẻ thì số ngày lẻ từ
15 ngày trở lên được tính tròn 01 tháng. Trường hợp dưới 15 ngày thì không tính
vào chi của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và do cơ quan, đơn vị sự nghiệp
quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chi trả theo chế độ tại
đơn vị.
Thanh
toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19
Ngân sách
nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 bao gồm:Tiền khám
bệnh, tiền giường và dịch vụ kỹ thuật. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng
dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y
tế;Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền chưa được tính trong
giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng trong các kỹ thuật khám bệnh,
chữa bệnh chưa được ban hành giá. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực
tế sử dụng và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu;Chi phí
thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền không thuộc phạm vi thanh toán
của quỹ bảo hiểm y tế. Việc thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng
và giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu;Dịch vụ kỹ thuật không
thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Việc thanh toán thực hiện theo
số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở đó hoặc của bệnh viện chủ quản.
Đối với chi phí khám bệnh, chữa bệnh các bệnh khác trong quá trình điều trị
COVID-19: quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo
phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp đi khám bệnh, chữa
bệnh đúng tuyến. Người bệnh COVID-19 có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả chi phí
cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định của
pháp luật về bảo hiểm y tế; Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không
bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác để thanh
toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí phát sinh trong quá
trình điều trị mà người bệnh phải trả theo quy định do một trong các nguyên
nhân bất khả kháng quy định tại khoản 5 Điều này thì được ngân sách nhà nước
chi trả theo số lượng dịch vụ y tế thực tế sử dụng và mức giá dịch vụ khám
bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Mức giá
dịch vụ, danh mục thuốc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế: áp dụng theo hạng,
theo tuyến của cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do hoặc bệnh viện chủ quản.
Về chế độ
chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch
COVID-19 bị nhiễm COVID-19
Đối với
người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đang hưởng lương từ ngân sách nhà
nước, từ nguồn thu sự nghiệp của cơ sở y tế công lập: Được hưởng tiền lương,
tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật
trong thời gian điều trị do bị nhiễm COVID-19. Trong đó quỹ bảo hiểm xã hội chi
trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, ngân sách
nhà nước chi trả phần còn lại; Được hưởng các chế độ phòng, chống dịch COVID-19
nếu tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian
điều trị COVID-19.
Đối với
người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không hưởng lương từ ngân sách nhà
nước nhưng có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Đối với người tham gia phòng, chống dịch
COVID-19 không hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng không tham gia đóng bảo
hiểm xã hội được hưởng các chế độ phòng, chống dịch COVID-19 nếu tham gia thực
hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian điều trị COVID-19.
Đối với
người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không hưởng lương từ ngân sách nhà nước
ngoài các chế độ quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, được ngân sách Nhà
nước hỗ trợ một lần với mức như sau: Đối với người tham gia phòng, chống dịch
COVID-19 từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày mức 1.855.000 đồng/người;
Đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 từ 30 ngày liên tục trở lên
mức 3.710.000 đồng/người. Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu chi hỗ trợ từ
nguồn ngân sách nhà nước cho các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này gửi Sở
Tài chính tổng hợp và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương xem xét, bổ sung dự toán để chi trả theo quy định của pháp luật về ngân
sách nhà nước.
Về chế độ
chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đang hưởng lương
từ ngân sách nhà nước, từ nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở y tế công lập phải
cách ly y tế sau thời gian làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Được hưởng nguyên lương
tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định
của pháp luật trong thời gian phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại cơ
sở thu dung, điều trị COVID-19.
Nghị định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 4 năm 2022. Quy định tại các điều
2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11 và 12 Nghị định này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01
năm 2021.